Một số yếu tố đang chi phối thị trường thép không gỉ châu Á trong quý III gồm biến động giá nickel, đà lao dốc của đồng nhân dân tệ và lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều người tham gia giao dịch trên thị trường này dự báo giá sẽ chỉ loanh quanh ở mức hiện tại, mà không có đợt tăng mạnh nào.
Một số nguồn tin khác lại cho rằng rất khó để dự đoán về xu hướng giá nhưng thị trường có thể vẫn giao dịch trầm lắng trong quý III/2018. “Đây là một câu hỏi khó, giá thép không gỉ có thể tăng hoặc giảm 10% so với thời điểm hiện tại,” một thương lái ở Đông Nam Á cho biết.
Trước đây, các nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan chào bán giá thép không gỉ luôn ở mức cao vì chi phí sản xuất lớn, đặc biệt là khi giá nickel tăng vọt từ tháng 4. Vì thế, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng không sẵn lòng mua hàng, nhất là từ Trung Quốc.
Tuy nhiên trong vài tuần gần đây, giá nickel bắt đầu “hạ nhiệt”. Giá nhập khẩu (vào Trung Quốc) các nguyên liệu thô khác dùng trong quá trình luyện thép như quặng sắt cũng đang giảm dần. Nếu xu hướng này duy trì trong thời gian dài tới đây, các doanh nghiệp cung cấp thép không gỉ sẽ không thể viện vào lý do chi phí sản xuất cao để tăng giá bán, một thương nhân chuyên tiêu thụ sản phẩm này ở miền Nam Trung Quốc cho hay.
“Tôi cho rằng giá không thể tăng mạnh trong vài tháng tới và cũng sẽ không có nhiều đơn hàng với số lượng lớn nào được ký kết,” người này cho hay.
Tuy nhiên, tồn kho thép không gỉ trên thị trường giao ngay ở Trung Quốc đang ở mức thấp nên giá mặt hàng này có thể tăng nhẹ cho tới cuối tháng 7, theo một số ý kiến lạc quan.
Dự báo, nguồn cung thép cuộn cán nóng không gỉ của Trung Quốc tiếp tục giảm trong vài tháng tới do chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ. Hơn 600 lò cao sẽ bị phá bỏ tại thị trấn Daidan thuộc tỉnh Giang Tô, theo trang China Metallurgical News. Theo đó, công suất sản xuất thép không gỉ của thị trấn này dự báo giảm còn 1,5 triệu tấn/năm, từ mức hiện tại là 4,14 triệu tấn/năm. Ngoài ra, các nhà máy thép ở miền Đông và Nam Trung Quốc, như Tsingshan Steel và Desheng Stainless Steel, cũng được cho là đã giảm sản lượng.
“Lợi nhuận của bên bán được cải thiện đôi chút vì tồn kho đang ở mức khá thấp, trong khi sản lượng sẽ tiếp tục giảm do chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ,” một doanh nghiệp tiêu thụ cho hay.
Tuy nhiên, theo những người tham gia giao dịch trên thị trường thép không gỉ, đà tăng của giá thép không gỉ sẽ không bền vững vì nhu cầu tiêu thụ thực tế dự báo vẫn chậm chạp và không thể đuổi kịp tốc độ tăng trưởng về nguồn cung. Theo đó, giá có thể giảm nhẹ trong tháng 7 và tháng 8 trước khi phục hồi vào tháng 9.
Ngoài ra, việc thép không gỉ giá rẻ từ Indonesia ồ ạt nhập khẩu vào các thị trường châu Á có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và giá tại khu vực châu Á. Giá thép cuộn cán nguội không gỉ mà Indonesia chào bán sang thị trường Đông Á trong tuần kết thúc vào ngày 4/7 là 2.150 – 2.175 USD/tấn (CIF), giảm 25 – 50 USD so với một tuần trước đó. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan báo giá vào khoảng 2.250 – 2.330 USD/tấn (CIF).
Doanh nghiệp Indonesia tích cực chào bán với giá thấp hơn những nướcchâu Á khác chủ yếunhằm thu hút người mua, một nguồn tin ở Đông Nam Á cho hay. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường không chắc Indonesia sẽ giữ giá thấp được bao lâu nữa.
Chênh lệch giá ngày càng thu hẹp
Nguồn cung giảm đã đẩy giá thép cuộn cán nóng không gỉ lên cao, đồng thời kéo biên lợi nhuận giữa sản phẩm này và thép cuộn cán nguội xuống mức rất thấp. Cụ thể vào ngày 6/6, giá thép cuộn cán nóng không gỉ loại 304 tại thị trường Vô Tích (tỉnh Giang Tô) là 14.900 – 15.000 nhân dân tệ (2.246 – 2.261 USD/tấn), trong khi giá thép cuộn cán nguội là 15.300 – 15.400 nhân dân tệ/tấn. Như vậy, chênh lệch giá chỉ là 400 nhân dân tệ/tấn.
Theo dự báo của thị trường, chênh lệch giá giữa hai sản phẩm sẽ tiếp tục thu hẹp. “Mức chênh lệch hợp lý nên là 600 – 700 nhân dân tệ/tấn,” một thương lái ở miền Đông Trung Quốc nói.

Phan Vũ/ Metal Bulletin