Trung Quốc lục địa đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và đang tiếp tục con đường soán ngôi thế thị trường dầu mỏ quan trọng nhất của châu Á, từng bước gia tăng vị thế trong thương mại nhiên liệu ở khu vực. Trọng tâm của thị trường dầu mỏ toàn cầu vì thế đang dịch chuyển dần từ Tây sang Đông.
Công ty kinh doanh dầu mỏ quốc doanh Trung Quốc Unipec hiện là nhà giao dịch dầu physical lớn nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc – thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ – sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc định giá xăng dầu cho thị trường toàn cầu, nhất là khi sàn giao dịch dầu thô kỳ hạn ở Thượng Hải đi vào hoạt động.
Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu thô bởi ngành lọc dầu của họ đang tăng mạnh công suất lọc. Nhưng lý do không đơn thuần chỉ bởi tiêu thụ xăng dầu ở nước này tăng, mà còn bởi xuất khẩu xăng từ đây không ngừng tăng và đã lên mức cao kỷ lục.
“Trung Quốc (lục địa) đang gây áp lực lớn cho các trung tâm xuất khẩu truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore trong việc duy trì thị phần ở khu vực Đông Nam Á và Australia”, chuyên gia nghiên cứu cấp cao chuyên về năng lượng châu Á thuộc công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, ông Joe Willis cho biết.
Trung Quốc nổi lên thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới

Xu hướng tăng công suất lọc dầu cũng như tăng xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ còn tiếp diễn.

Thị trường này có kế hoạch nâng công suất lọc dầu thêm ít nhất 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2020, theo thông báo mới đây của Tổng công ty Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec). Sinopec là nhà lọc dầu lớn nhất châu Á và là công ty mẹ của Unipec.
Năm nay PetroChina Ltd sẽ bắt đầu hoạt động nhà máy lọc dầu có công suất 260.000 thùng/ngày ở Vân Nam thuộc miền Nam Trung Quốc, trong khi Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc sẽ bắt mở rộng công suất thêm 200.000 thùng/ngày tại nhà máy Huizhou ở tỉnh Quảng Đông. Cả 2 nhà máy này sẽ chưa hoạt động hết công suất mới cho tới 2018, nhưng sẽ khiến công suất lọc dầu năm 2017 tăng khoảng 350.000 thùng/ngày.
Xuất khẩu xăng từ Trung Quốc dự báo sẽ tăng ít nhất 10.000 thùng/ngày trong năm nay so với 2016, với lượng xuất khẩu năm nay đạt khoảng 235.000 đến 240.000 thùng/ngày và đạt khoảng 330.000 thùng/ngày vào 2018, theo tính toán của các công ty tư vấn FGE và Wood Mackenzie.
Unipec hiện đang đi đầu trong phong trào hướng tới những thị trường mới ở nước ngoài, tháng 6 vừa qua đã chuyển nhiên liệu jet dùng cho máy bay từ Singapore tới Tây Bắc châu Âu lần đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn. Trong khi đó, xuất khẩu diesel từ Trung Quốc sang Pháp trong năm 2017 đã tăng gấp hơn 2 lần, sang Italia tăng gấp 4 lần và năm nay cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xuất khẩu diesel sang Kenya.
Xuất khẩu xăng và dầu diesel và nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc

Các nhà máy lọc dầu định hướng xuất khẩu ở Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự cạnh tranh từ Trung Quốc lục địa.

“Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa thị trường đồng thời tìm kiếm những thị trường mới bằng cách tăng số lượng khách hàng của mình ở những thị trường truyền thống,” một nhà máy lọc dầu Hàn Quốc cho biết.
Các nhà máy lọc dầu Nhật Bản và Ấn Độ được đánh giá là bị ảnh hưởng ít hơn.
Trung Quốc và Ấn Độ đã soán ngội Nhật Bản trở thành những thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất châu Á. Trong đó, các nhà máy lọc dầu Nhật Bản đang hợp nhất vì dân số giảm và xu hướng ngành điện cũng như ngành giao thông sử dụng những nhiên liệu thay thế khiến tiêu thụ dầu sụt giảm. Còn các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước – tăng rất nhanh.
Các nhà máy lọc dầu mới và hiện đại của Trung Quốc đang cạnh tranh tích cực với những nhà xuất khẩu trong khu vực để sản xuất nhiên liệu cung ứng cho những nước có tiêu chuẩn khắt khe về nhiên liệu như Australia. Xuất khẩu diesel sang Australia đã tăng gấp 7 lần trong năm 2016 lên 850.000 tấn và từ đầu năm tới nay đã đạt gần mức đó.
Nhu cầu nhiên liệu nội địa tại Trung Quốc lục địa giảm sút vì người dân tăng sử dụng ô tô điện hoặc dùng cả điện cả xăng và xe đạp hoặc xe máy là một trong những lý do khiến các nhà máy lọc dầu tăng xuất khẩu xăng.
Nhu cầu xăng tại Trung Quốc dự báo sẽ tăng chậm lại còn khoảng 3,5 đến 4% trong năm 2017 so với 6,5% của năm 2016, ông Sri Paravaikkarasu, giám đốc công ty dầu East of Suez thuộc FGE cho biết.
Doanh số bán ô tô, chủ yếu sử dụng nhiên liệu xăng, tại Trung Quốc đã tăng chậm lại còn 0,7% trong 6 tháng đầu năm 2017, so với 8,7% cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số bán ô tô sử dụng các nhiên liệu thay thế tăng tới 52,9%, theo BMI Research.
Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet