Trấn áp nhà máy thép Tangyin để cảnh cáo các hãng thép nội địa
Trước lo ngại ngày càng lớn của các nhà chức trách Trung Quốc, tổng quản lí của một nhà máy thép ở Đường Sơn (nằm ở phía đông Bắc Kinh) đã bị giam giữ vào giữa tháng 7.
Các quan chức Đường Sơn đã yêu cầu Tangyin Steel, một đơn vị thuộc Tập đoàn HBIS, giảm một nửa sản lượng do lo ngại về vấn nạn ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, công ty con này được cho là đã phớt lờ yêu cầu và vẫn đẩy mạnh sản xuất.
"Vốn đang tuyệt vọng vì lệnh hạn chế sản xuất [không có hiệu quả], cơ quan chức năng Đường Sơn có thể tham gia vào cuộc trấn áp Tangyin Steel như một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp thép khác", Nikkei Asian Review dẫn lời nguồn tin thân cận cho hay.
Tangyin đã phô trương rằng họ đang tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng. Cụ thể, sau khi người quản lí bị bắt giữ, các biển báo kĩ thuật số bên ngoài lối ra vào nhà máy hiển thị dòng chữ "Lò cao 2 tạm ngừng hoạt động".
Mặc dù các nhà chức trách có thể đã bày tỏ thái độ nghiêm túc nhất định khi xử lí một công ty lớn như Tangyin, họ gần như không nỗ lực đủ để buộc các nhà máy vừa và nhỏ tuân thủ yêu cầu, một nhân viên ngành thép nhận định.
Sản lượng thép 2019 có khả năng đạt 1 tỉ tấn
Trung Quốc đã sản xuất 577 triệu tấn thép thô trong 7 tháng đầu năm nay. Với tốc độ kỉ lục này, khả năng đạt tổng sản lượng thép thô thường niên một tỉ tấn là việc trong tầm tay.
Giá thép phục hồi nhờ chính sách của Bắc Kinh góp phần thúc đẩy "cơn sốt" sản lượng thép kể trên.
Việc giá thép chững lại cho đến khoảng năm 2015 đã dấy lên lo ngại cho ngành thép toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu kìm chế công suất chế tạo thép vào năm 2016 và đến 2018, nước này đã cắt giảm thành công gần 150 triệu tấn thép.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn trấn áp các nhà máy sản xuất thép chất lượng thấp (hay thép "ditiaogang") từ kim loại phế liệu. 

Ditiaogang là một sản phẩm bất hợp pháp nên không xuất hiện trong các số liệu thống kê chính thức, làm sai lệch giá cả thị trường.

Giá thép phục hồi vào khoảng năm 2017. Tuy nhiên, sản lượng thép thô, vốn chỉ giới hạn ở mức 800 triệu tấn cho đến năm 2016, cũng tăng theo.
Hiện nay, 1 tấn thép cuộn nóng có giá khoảng 3.800 nhân dân tệ (tương đương 535 USD), vẫn cao hơn ngưỡng 2.000 nhân dân tệ hồi năm 2015, nhưng giá lại có xu hướng giảm xuống.
Nhu cầu thép ở Trung Quốc đang suy yếu dần. Tính đến tháng 8/2019, doanh số bán thép phục vụ ngành công nghiệp chế tạo ô tô đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong 14 tháng liên tiếp.
Cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ cũng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng nội địa. Doanh số bán thiết bị chế tạo từ thép cũng giảm đáng kể.
Bắc Kinh vẫn tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng như một phần của chương trình kích thích kinh tế, nhưng các khoản chi tiêu không mang lại hiệu quả như kế hoạch đề ra do Chính phủ chần chừ xử lí nợ.
Mặc dù nhu cầu thép suy yếu, giá quặng sắt (một vật liệu chủ chốt để chế biến thép) lại tăng vọt. Tình trạng này khiến Baoshan Iron & Steel và 4 công ty nội địa khác ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay.
Sản lượng thép ditiaogang cũng đang tăng lên. "Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài hơn một năm và tôi không nhận thấy bất kì dấu hiệu nào cho thấy thị trường thép sẽ phục hồi", Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin thân cận cho hay.
Lo ngại từ xây hệ thống lò cao
Hiện tại, Bắc Kinh phải đối mặt với một mối lo ngại khác. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã đóng cửa nhiều lò cao lỗi thời để cắt giảm sản lượng dư thừa và bảo vệ môi trường. Đồng thời, họ còn xây dựng một số lò cao mới với công suất thấp hơn.
Gần 70% lò cao mới sẽ đi vào vận hành vào giữa năm nay và năm 2020. Công suất bổ sung tương đương với khoảng 61 triệu tấn thép mới trong năm 2019 và 62 triệu tấn năm 2020.
"Năng lực sản xuất đã giảm, nhưng khác với số lò cao cũ, các cơ sở mới có thể hoạt động hết công suất, vì vậy có khả năng sản lượng trên thực tế sẽ tăng lên", một nguồn tin nhận định.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường hoạt động giám sát để ngăn chặn tình trạng sản xuất dư thừa.
Tuy nhiên, sản lượng tăng vọt thời gian gần đây vẫn tiếp diễn. Đồng thời, không rõ yêu cầu hạn chế sản xuất sẽ mang lại hiệu quả đến đâu. Vì vậy, ngành công nghiệp thép toàn cầu đang cảnh giác trước một đợt giảm giá mới xuất phát từ Trung Quốc.
Nguồn cung thép dư thừa có thể tràn vào Đông Nam Á và một số nơi khác, gây áp lực giảm giá cho thị trường thép châu Á nói chung. Bất chấp các biện pháp bảo hộ thương mại, giá thép tại Mỹ cũng suy yếu do nhu cầu thấp.
Ngành thép đang lo ngại nhu cầu đi xuống sẽ diễn ra trên toàn thế giới.
Giá quặng sắt đã hạ nhiệt kể từ tháng 4. Tuy nhiên, nếu sản lượng tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc, các hãng thép có thể đối mặt với tình trạng giá vật liệu tăng nhưng giá thép giảm.
"Một số sản phẩm thép đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, không còn nghi ngờ gì về tác động của chúng đến giá vật liệu thép ở Đông Nam Á", Chủ tịch Yoshihisa Kitano của JFE Steel và đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Gang Thép Nhật Bản, cho hay.
Nguồn: Yên Khê/Vietnambĩ, Kinh tế & Tiêu dùng