Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello vừa thực hiện báo cáo chuyên đề: Thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam: nhìn lại giai đoạn 2011-2016. Những thách thức kể trên, cùng với diễn biến chính trị khó lường tại nhiều quốc gia phát triển và chính sách thương mại chưa rõ ràng của Mỹ, đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế cần có những biện pháp thích hợp để ứng phó.
Xuất khẩu được đánh giá là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, những biến động về chính trị và kinh tế thế giới trong những năm vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2010-2016, xuất khẩu hàng hóa đang có xu hướng tăng chậm dần, giảm từ mức tăng 34,2% năm 2011 xuống chỉ còn 7,9% năm 2015 và 8,6% năm 2016 (hình 1).
Mức độ tập trung vào các thị trường chính cao

 

Thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng nhưng có mức độ tập trung vào các thị trường chính cao, xu hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chậm. Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có mặt tại trên 200 quốc gia trên thế giới. Các thị trường lớn nhất theo giá trị xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hồng Kông, Malaysia, các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Anh, và Úc.
Châu Á là khu vực xuất khẩu chính của Việt Nam với tỷ trọng 49,4% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015, trong đó Trung Quốc và ASEAN vẫn là các đối tác chính. Năm 2016, trong khi tăng trưởng xuất khẩu cả nước là 8,6%, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đã lần lượt tăng tới 26,5% và 14,5%. Mức độ tập trung xuất khẩu vào các thị trường chính gần như không thay đổi, thậm chí là có phần tăng cao trong những năm vừa qua.
Trong số các thị trường xuất khẩu năm 2016, số thị trường đạt kim ngạch trên một tỉ đô la Mỹ là 28 thị trường với tổng kim ngạch 160,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm 91% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. So với năm 2015, danh sách trên giảm một thị trường là Nam Phi, chỉ đạt kim ngạch 868,8 triệu đô la Mỹ.
Trong khi số lượng thị trường lớn giảm, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tới ba và năm thị trường hàng đầu tăng mạnh trong năm 2016 cho thấy mức độ tập trung cao hơn vào các đối tác thương mại trọng tâm. Những dấu hiệu trên cho thấy nhiều khó khăn trong thực hiện định hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Tăng trưởng xuất khẩu quí 1-2017 đạt mức cao (12,8% so với cùng kỳ năm trước), cùng với việc cầu tiêu dùng nội địa yếu thời gian vừa qua, cho thấy xuất khẩu sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017.
Cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm hoặc suy giảm.
Số liệu ước tính cho thấy kim ngạch nhập khẩu của thị trường Trung Quốc đối với toàn thế giới suy giảm khoảng 14% trong năm 2015 so với năm trước và rơi vào vùng thị trường suy thoái. Trong khi đó, tuy cũng nằm trong xu thế suy giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ chỉ giảm với tỷ lệ 4,3% trong năm 2015 - cao hơn nhiều mức trung bình thế giới và là mức cao nhất trong số 10 thị trường trọng điểm trên. Điều này, cùng nhiều dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ, cho thấy đây là thị trường đối tác tiềm năng bậc nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, có thể thấy hai thị trường đối tác ở châu Âu (Anh và Đức) trong giai đoạn 2011-2015 rơi vào vùng thị trường suy thoái nhưng đã có biểu hiện tốt hơn trong năm 2015 tuy vẫn suy giảm. Thị trường Hồng Kông và các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất nằm trong số những thị trường hấp dẫn nhất thời gian qua với tốc độ tăng nhập khẩu trung bình lần lượt là 36,6% và 62,1%. Tuy nhiên, số liệu ước tính 2015 cho thấy mức giảm mạnh của các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất về nhập khẩu (giảm 24,3%), chủ yếu do mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này là điện thoại và linh kiện.
Xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ trung bình 21,3%/năm trong năm năm gần đây (cao hơn mức tăng xuất khẩu cả nước trung bình là 12,7%) và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Đến năm 2016, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đã cao gấp hơn hai lần doanh nghiệp 100% vốn trong nước, chiếm tỷ trọng 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2010 mới chỉ chiếm khoảng 47%). Đặc biệt trong năm 2015 và 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực trong nước giảm lần lượt 8,5% và 2,8% so với năm trước (lần cuối cùng suy giảm là từ năm 2009), cho thấy một giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Một số mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn đang gặp khó

 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đa phần nằm trong các nhóm hàng có cầu tiêu dùng lớn, tuy nhiên một số mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn gặp khó khăn trong tăng trưởng xuất khẩu. Trong 10 nhóm hàng có kim ngạch trung bình giai đoạn 2011-2015 lớn nhất của Việt Nam trong tương quan so sánh với tăng trưởng nhập khẩu hàng năm của thế giới, có 8/10 nhóm hàng trọng điểm tăng thị phần, trong đó có bảy nhóm hàng nằm ở khu vực hàng hóa tăng trưởng và chỉ một nhóm nằm ở khu vực hàng hóa suy giảm là cao su và các sản phẩm từ cao su (so sánh với mức tăng trưởng nhập khẩu bình quân của thế giới là 1,3%/năm). Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng.

 

Xuất khẩu dệt may giảm tốc tăng trưởng, phụ thuộc nhiều vào diễn biến tại thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành dệt may đạt trung bình 16,1 tỉ đô la Mỹ/năm trong giai đoạn 2010-2014 (tăng 18,5%/năm) và 22,8 tỉ đô la Mỹ năm 2015 (tăng 9% so với 2014). Năm thị trường đối tác lớn nhất của Việt Nam về nhóm hàng dệt may lần lượt là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Anh, trong đó riêng thị trường Mỹ đã chiếm tới 48% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2015.
Số liệu năm 2016 cho thấy, hàng dệt may đã giảm tốc khi chỉ tăng trưởng 4,6% (năm 2015 tăng 9%), đạt 22,8 tỉ đô la Mỹ và kém xa mục tiêu đầu năm là 31 tỉ đô la Mỹ. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của hàng dệt may Việt Nam. Nguyên nhân chính là sự giảm tốc của hai thị trường lớn nhất là Mỹ (từ tăng 11,6% trong năm 2015 xuống chỉ còn 4,6% trong năm 2016) và Nhật Bản (từ mức tăng 6,3% trong năm 2015 xuống còn 4,2% năm 2016).
Xuất khẩu giày dép tăng trưởng chậm lại và chuyển dịch một phần từ châu Âu sang Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng giày dép đạt trung bình 7,8 tỉ đô la Mỹ/năm trong giai đoạn 2010-2014 (tăng 20,8%/năm) và 12,4 tỉ đô la Mỹ năm 2015 (tăng 16,3% so với 2014). Số liệu năm 2016 cho thấy, mặt hàng giày dép giảm tốc khi chỉ tăng trưởng 8,3% và các thị trường lớn đều suy giảm tốc độ tăng trưởng so với năm 2015.
Nếu tính chung thì thị trường Liên hiệp châu Âu là thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam giai đoạn 2010-2014 (với kim ngạch năm 2014 đạt 3,6 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên sang năm 2015, thị trường Mỹ đã vượt lên là thị trường dẫn đầu khi liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài (trung bình 26,3%/năm giai đoạn 2010-2014 và 22,5% năm 2015).
Năm 2016, các thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc tuy tăng trưởng không ấn tượng như năm 2015 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của nhóm hàng (xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng 10% và Trung Quốc tăng 20% so với 2015). Một số thị trường lớn tại châu Âu thu hẹp thị phần do tăng trưởng thấp hơn trung bình nhóm hàng này trong năm 2016 gồm Anh (-10,8%), Pháp (7,8%) và Italia (-3,0%).
Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn; tập trung tăng trưởng tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản trong giai đoạn 2010-2014 tăng trưởng trung bình 9,8%/năm. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhóm hàng thủy sản trong năm 2015 suy giảm đến 16,1% so với 2014 và kim ngạch chỉ đạt 6,56 tỉ đô la Mỹ. Năm 2016, nhóm hàng này hồi phục khi đạt kim ngạch xuất khẩu 7,05 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 7,4% so với 2015 nhưng vẫn còn thấp so với giai đoạn trước 2015 và thấp hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Năm thị trường lớn nhất của Việt Nam ở nhóm ngành này lần lượt là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức. Thị trường Mỹ có kim ngạch lớn nhất (886 triệu đô la Mỹ trong năm 2015 - chiếm trên 18% tổng xuất khẩu của Việt Nam về thủy sản) và duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao (14,4%/năm giai đoạn 2010-2014). Tuy sụt giảm trong năm 2015 nhưng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã quay trở lại đà tăng trưởng vào 2016 (tăng 9,7% - cao hơn mức trung bình nhóm ngành). Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có mức tăng ấn tượng (51,9%) và là thị trường lớn tăng trưởng nhanh nhất năm 2016. Cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức đều giảm thị phần khi lần lượt chỉ tăng trưởng 6,2%, 6,4% và -6,6%.
Xoay xở để duy trì tăng trưởng
Tăng trưởng xuất khẩu quí 1-2017 đạt mức cao (12,8% so với cùng kỳ năm trước), cùng với việc cầu tiêu dùng nội địa yếu thời gian vừa qua, cho thấy xuất khẩu sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017.
Những thách thức kể trên, cùng với diễn biến chính trị khó lường tại nhiều quốc gia phát triển và chính sách thương mại chưa rõ ràng của Mỹ, đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế cần có những biện pháp thích hợp để đảm bảo sự phát triển bền vững của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ là tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mỹ và châu Âu vì tiềm năng tại các thị trường này còn lớn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và hướng tới các thị trường có FTA tiềm năng có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN.
Hàng hóa của Việt Nam có tận dụng được các thị trường chất lượng cao này hay không phụ thuộc vào khả năng áp dụng công nghệ kỹ thuật, cải thiện mẫu mã, bao bì và xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Đối với thị trường ASEAN, Việt Nam cần nhận thức rõ sức ảnh hưởng của AEC đến cạnh tranh giữa hàng hóa các nước trong khu vực trong thời gian tới. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để sản phẩm trong nước tiếp cận với người dùng tại các quốc gia có vị trí địa lý và thị hiếu tiêu dùng tương đồng với Việt Nam.
Nguồn: Đinh Tuấn Minh - Phan Huy Hoàng - Nguyễn Thế Hoàng/Thời báo Kinh tế Sài Gòn online