Ba năm chật vật tìm lối thoát khỏi con bão giá
Trong niên vụ 2018 - 2019, (cập nhật đến ngày 15/3), có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại. Đồng thời, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp ngành đường gặp khó khăn. 
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) ước tính kết thúc niên vụ 2018 - 2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn và đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn mía và 200.000 tấn đường so với niên vụ 2017 - 2018.
Sản lượng đường và mía qua các niên vụ. (Đức Quỳnh tổng hợp)
Theo VSSA, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết đã làm cho mía trổ cờ sớm và sâu bệnh nên diện tích, năng suất mía đang giảm mạnh. Trong đó, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năng suất, snar lượng mía, sản lượng đường các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên giảm tương ứng 13%, 22% và 23%. 
Điền hình như tỉnh Trà Vinh, mỗi ha mía, người dân lỗ khoảng 40 triệu đồng do năng suất và chữ đường đều giảm. Niên vụ 2018 - 2019 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp người dân trồng mía chịu thua lỗ.
Tình hình càng trở nên ảm đạm hơn khi VSSA đưa ra dự báo niên vụ 2019 - 2020, sản lượng mía và đường giảm 5% so với niên 2018 - 2019 xuống lần lượt 13 triệu tấn và 1,25 triệu tấn. 
Tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho từ vụ trước lớn, cộng thêm cả tồn kho niên vụ hiện tại đã lên tới 75%. Mặc dù giá đường đã cải thiện so với năm ngoái nhưng giá bán phổ biến đối với đường kính trắng RS chỉ khoảng 10.500 đồng/kg.
Áp lực càng đè nặng lên ngành đường khi nạn đường lậu từ Thái Lan "tuồn" vào Việt Nam với số lượng lớn và với giá rất rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. 
Trao đổi với người viết ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi ước tính lượng đường nhập lậu từ Thái Lan khoảng 500.000 tấn nhưng trên thực tế, theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, con số có thể lên tới hơn 1 triệu tấn (gần bằng sản lượng đường trong nước - PV)"
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiêp hội Mía đường Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh 
Ông Doanh cho biết trong dịp Tết Nguyên đán, khi lực lượng chống buôn lậu ra quân, tình trạng buôn lậu đường giảm. Tuy nhiên, sau Tết tình trạng này gia tăng trở lại và phức tạp hơn. Trong giai đoạn 2014 - 2018, lượng đường lỏng nhập khẩu vào Việt Nam tăng tới 3 lần từ 46.000 tấn lên 140.000 tấn.
Ông Doanh cho hay đường nhập lậu vào Việt Nam nhiều và gây áp lực lên đường trong nước đến mức có thời điểm giá đường trong nước giảm xuống bằng với mức giá đường lậu. Thậm chí có nhà máy phải bán bằng hoặc thấp hơn giá thành trong khi họ vẫn phải mua mía nguyên liệu với giá khoảng 850.000 - 1 triệu đồng/tấn. 
Doanh nghiệp "ngồi trên đống lửa"
Ông Doanh cho hay hai niên vụ trở lại đây, các nhà máy đường, công ty đang gặp khó khăn nghiêm trọng về thiếu vốn lưu động do các ngân hàng thắt chặt việc cho vay. 
Do đó, nhiều nhà máy không có tiền để thanh toán mía nguyên liệu cho nông dân. Một số nhà máy chịu thua lỗ liên tiếp ba vụ kinh doanh và nguy cơ đóng cửa do giá đường thấp và tiêu thụ khó khăn. Thậm chí, có trường hợp người dân kéo đến nhà máy để yêu cầu thanh toán tiền mía. 
"Hạn mức tín dụng của một số nhà máy đường đã hết, do đó, các ngân hàng không dám cho các nhà máy này tiếp tục vay vốn. Hiện tại, VSSA đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước đề những doanh nghiệp tồn kho lớn tiêu thụ chậm có điều kiện tiếp cận với tín dụng. Đây cũng là giải pháp tốt nhất, bản thân Hiệp hội cũng không thể nào làm hơn để giúp doanh nghiệp về vấn đề vay vốn", ông Doanh nói. 
Một số doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong quý II niên độ 2018-2019 gồm CTCP Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT) và CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS). 
Theo đó, lũy kế hết quý II, doanh thu thuần của Thành Thành Công - Biên Hòa đạt 5.300 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kì. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 14,8 tỉ đồng, giảm 94%. Cùng kì, khoản mục này ghi nhận lãi 264 tỉ đồng. Ngoài ra, Mía đường Lam Sơn cũng lỗ ròng gần 14 tỉ đồng trong khi cùng kì lãi 12,8 tỉ đồng. 
Bên cạnh vấn đề về vốn, VSSA cho hay tình trạng thiếu lao động thu hoạch mía cũng đang là khó khăn lớn đối với các nhà máy. Thêm vào đó, vùng nguyên liệu giảm mạnh do người trồng mía chuyển sang các loại cây khác khi giá thu mua thấp hơn so với niên vụ 2017 - 2018 mặc dù các nhà máy đã cố gắng giữ giá bảo hiểm và bổ sung chính sách hỗ trợ cho người trồng mía. 
Câu chuyện của những người trồng mía tại xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một điển hình về tâm lí chán nản của người dân khi giá thu mua mía từ nhà máy giảm 100.000 đồng/tấn.
Theo phản ánh của TTXVN, từ đầu niên vụ, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã kí hợp đồng với người dân địa phương mua mía với giá 900.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch chỉ mua với giá 800.000 đồng/tấn khiến người dân búc xúc. 
Ông Lưu Văn Lương chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết hiện nay, nhiều hộ dân trồng mía trong xã có ý định chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp, cây màu hoặc đi làm công nhân tại các nhà máy. 
Tình hình càng cấp bách hơn nữa khi hiệp định Thương mại tự do các nước ASEAN (ATIGA) chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Khi đó, hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ. Sức ép đối với với ngành đường Việt Nam vốn đã rất nặng, khi có ATIGA, "quả tạ" ấy sẽ càng nặng thêm bởi đường nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa nhiều hơn. 
Vậy ngành đường Việt Nam chuẩn bị những gì trong suốt hai năm qua, sau khi ATIGA được gia hạn đến đầu năm 2020? Mời quí độc giả đón đọc phần 2 chuỗi bài ngành đường: "Cơn lũ ATIGA sắp đến chân, doanh nghiệp đường có nhảy kịp?'"

Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng