Phấn đấu giá thành sản xuất về dưới 10.000 đồng/kg
Từ thực trạng của ngành mía đường Việt Nam hiện nay và áp lực hội nhập theo Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tập trung cơ cấu lại ngành mía đường.
Theo đó, VSSA cho biết ngành cần định hướng cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lãi.
Cụ thể, ngành cần cơ cấu lại khâu nghiên cứu và tổ chức sản xuất giống. Sau năm 2020, chấm dứt tình trạng nông dân tự để giống trồng mới. Hoạt động canh tác theo hướng cơ giới hóa, áp dụng công nghệ mới, thay thế canh tác truyền thống, chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có.
Bên cạnh đó, ngành cũng cần cơ cấu lại giá mía nguyên liệu theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy, công ty với nông dân tỉ lệ 70/30. Giá một tấn mía nguyên liệu tương đương 70 kg đường với giá đường chưa có thuế VAT tại thời điểm ở cửa nhà máy.
Trong bối cảnh khó khăn về giá, VSSA đề xuất đa dạng hóa sản phẩm nhằm hạ giá thành. Mục tiêu của ngành đường hiện nay là giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg.
"Đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn nạn đường lậu vào Việt Nam. Nếu giá thành sản xuất được hạ thấp xuống khi đó giá đường nội địa sẽ rẻ hơn đường lậu. Như vậy tình trạng đường lậu vào Việt Nam sẽ được chấm dứt", ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho hay.
Sản phẩm chế biến đường và sản phẩm từ mía khác bao gồm đường các loại (đường trắng, đường tinh luyện, đường organic), điện sinh khối từ bã mía, nhiên liệu sinh học (cồn, ethanol từ mật rỉ và mía) phân bón hữu cơ, vi sinh từ bã bùn.
Ông Doanh cho biết Brazil là một ví dụ tiêu biểu trong việc linh hoạt trong điều tiết tỉ trọng đường và các sản phẩm từ mía khác theo nhu cầu của thế giới. Theo đó, nước này sản xuất đồng thời đường và ethanol.
Chẳng hạn như năm vừa qua, khi giá đường chạm đáy hơn 20 năm, tỉ trọng đường chỉ chiếm 42%, còn lại 58% mía còn lại được dùng để sản xuất ethanol, góp phần làm giảm lượng đường ra thế giới, điều tiết lại cung cầu. Hiện Brazil là nước sản xuất đường lớn thứ nhất thế giới, theo sau là Thái Lan.
Theo tờ The Rio Times, giá ethanol chưa khan nước (hydrous ethanol) ở khu vực trung tâm miền Nam Brazil tăng vọt hơn 18% trong 11 ngày đầu tháng 4 lên cao kỉ lục 2.350 real/m3 (tương đương 604 USD/m3) do mưa lớn trong khu vực.
Cùng thời gian đó, giá ethanol khan nước (anhydrous ethanol) tăng 23,5% lên mức kỉ lục 2.285 real/m3 so với cùng kì năm ngoái.
Đối điện sản sinh từ hoạt động sản xuất đường, ông Doanh cho biết Hiệp hội đang kIến nghị không phân biệt điện sinh khối và điện đồng phát.
"Bản chất điện sinh ra từ hoạt động sản xuất đường được coi là điện đồng phát (tức là điện sinh ra từ quá trình tạo nhiệt để nấu đường), khác với điện sinh khối là từ các sản phẩm nông, lâm nghiệp như tro, trấu, rơm...
Giá điện đồng phát thấp hơn giá điện sinh khối. Hiện nay VSSA kiến nghị coi giá điện từ hoạt động sản xuất đường bằng với giá điện sinh khối. Mức giá bao nhiêu cần phải qua khảo sát và tư vấn của tổ chức trong và ngoài nước", ông Doanh cho biết.
Ngoài ra, VSSA kiến nghị Chính phủ chỉ nhập khẩu đường thô để tinh luyện và áp dụng việc cấp phép nhập khẩu để theo dõi lượng nhập khẩu, nhằm bảo đảm điều tiết cung cầu tại các thời điểm nhất định. Dừng đấu thầu quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019.
VSSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hộ điều chỉnh, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đường lỏng với thuế suất 12%. Hiện nay, đường lỏng đang không bị áp dụng hạn ngạch thuế quan và thuế suất áp dụng trong các nước ASEAN là 0%.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT "mách nước" cho ngành mía đường
Tại buổi làm việc với VSSA, , Bộ trưởng Cường cho rằng, với thời gian hơn 20 năm hình thành và phát triển, vùng nguyên liệu 300.000 ha, sản lượng mía khoảng 15 triệu tấn và sản lượng đường 1,5 triệu tấn, ngành mía đường Việt Nam được xem là đã đóng góp một thành quả đáng tự hào cho ngành nông nghiệp.
Thế nhưng hiện nay ngành mía đường đang phải đối mặt với những khó khăn, phải nói là khắc nghiệt nhất từ trước tới nay.
Song Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, mía đường vẫn là mặt hàng quan trọng của một quốc gia, kể cả Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần phải có trách nhiệm với sự chuyển đổi một ngành hàng gắn với một bộ phận nông dân một cách nhịp nhàng, uyển chuyển, thích ứng, phù hợp hơn nhưng không tạo ra sự xáo trộn, đảo lộn quá lớn với doanh nghiệp và người nông dân.
Về giải pháp tổng thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành mía đường phải giải quyết được 4 vấn đề là giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu; nâng giá trị tối đa ở tất cả các nhóm sản phẩm; có chính sách phù hợp nhất với WTO; có sự đồng lòng, quyết tâm cao giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bộ trưởng Cường cũng nhất trí với các giải pháp, kiến nghị của VSSA về khâu xây dựng giống ba cấp, đổi mới hệ thống canh tác, cơ giới hóa đồng bộ các khâu, minh bạch chữ đường và chất lượng đường. Nếu cần thiết Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ và VSSA phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho ngành mía đường.
Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý, ngành mía đường không chỉ đơn giản là hạt đường mà còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế khác. Đơn cử như bã mía, không chỉ để làm nguyên liệu phát điện mà có thể làm giá thể trồng nấm, rồi làm phân bón hữu cơ, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế có khi còn cao hơn rất nhiều giá trị từ hạt đường.
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng