Đặc biệt, thế giới có nhu cầu rất cao về việc sử dụng than hoạt tính được sản xuất từ than gáo dừa. Theo Freedonia, một nhà máy nghiên cứu thị trường than quốc tế tại Cleveland Ohio (Mỹ), nhu cầu nhập khẩu than hoạt tính gáo dừa tăng khoảng 7,73%/năm và được dự đoán tăng từ 10-25% mỗi năm trong giai đoạn năm 2013-2018.
Tại Việt Nam, Bến Tre được biết đến là thủ phủ của dừa nên cũng trở thành trung tâm sản xuất than gáo dừa. Lộc Duy hiện là một trong những doanh nghiệp lớn về sản xuất và xuất khẩu than gáo dừa tại tỉnh này. Trong năm 2015, Công ty đã lắp ráp dây chuyền sản xuất xay than, tăng lên 150 lò than, sản lượng khoảng 3.000 tấn/tháng với nhiều loại than thô, than theo kích cỡ và than nén BBQ dùng để phục vụ các bếp nướng tại nhà hàng... Ngoài ra, còn một vài doanh nghiệp khác như Minh Lương (Bến Tre) cũng đã xuất than sang Đài Loan, Nhật...
Theo Cộng đồng Dừa châu Á và Thái Bình Dương (APCC), Philippines, Indonesia, Sri Lanka và Ấn Độ là những nước sản xuất chính loại than này. Hiện giá bán tại những nước trên đang dao động khoảng 342-376 USD/tấn, riêng tại Sri Lanka lên tới 605 USD. Tại Việt Nam, giá than gáo dừa xuất khẩu khoảng 300 USD. APCC cũng thống kê sản lượng xuất khẩu than hoạt tính trung bình của Việt Nam đang ở mức 6.830 tấn mỗi năm.
Thị trường lớn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất than gáo dừa, than củi hay mùn cưa... chủ yếu là các cơ sở nhỏ nên thường theo hình thức gia công là chủ yếu. Nhược điểm này bộc lộ trong “cơn sốt” than củi từ mấy năm nay do nhu cầu sử dụng tăng đột biến từ các thị trường nước ngoài. Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần VIETGO, cho biết: “Khoảng một năm qua, nguồn cung trên thị trường các nước sử dụng than củi lớn như Nhật, Hàn Quốc và các nước Trung Đông, châu Âu có nhiều biến động nên doanh nghiệp các nước này nhắm đến thị trường một số nước châu Á trong đó có Việt Nam”.
Trước đây, các quốc gia này đa số nhập than củi từ các nước châu Phi, bởi chất lượng gỗ tốt được khai thác từ tự nhiên, giá thành rẻ do vận chuyển gần, nhưng sau khi dịch Ebola xảy ra, cùng với những mặt hàng khác, than củi đã bị cấm. Ngoài ra, Nhật và Hàn Quốc giáp biển, có lượng hải sản phong phú nên món nướng cũng là một trong những món ăn thông dụng, đặt ra nhu cầu cao về than nướng. Còn tại châu Âu, than củi được sử dụng vào việc sưởi ấm. Việc nguồn cung tại châu Phi bị biến động đã tạo cơ hội lớn cho các nhà sản xuất than tại Việt Nam.
Các lò than tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thành phía Bắc. Chỉ riêng tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, hiện có gần 950 lò hầm than của hơn 400 hộ dân, sản lượng mỗi năm đạt hơn 40.000 tấn, doanh thu khoảng 300 tỉ đồng mỗi năm. Hậu Giang cũng có hơn 900 lò hầm than với doanh thu mang về cho địa phương hàng trăm tỉ đồng.
Theo đại diện của VIETGO, hiện nay, 100% lô hàng than củi của Việt Nam đều được cấp phép xuất hàng đi, do lượng than này được sản xuất từ gỗ rừng sản xuất như bạch đàn, keo, nhãn, vải... Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lúng túng trước cơ hội bất ngờ này và không đủ nguồn cung. “Tháng 12.2015, chúng tôi có 25 đơn hàng nhờ tìm mua than. Đến đầu năm 2016, hầu như ngày nào cũng có vài doanh nghiệp hỏi tìm mua than mà nguồn cung lại không đủ”, ông Việt cho biết.
Bên cạnh việc khai thác nguồn gỗ phế liệu bỏ đi, sản xuất than để tạo nguồn thu lớn cho xuất khẩu là một điều tích cực. Tuy nhiên, việc phát triển quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước không chỉ trong việc quy hoạch các lò than, đưa ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn có chính sách hỗ trợ thuế để giúp các doanh nghiệp phát triển được những mặt hàng có giá trị cao này.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), những mặt hàng tuy nhỏ như than củi, mùn cưa... lại có hiệu quả rất cao trong xuất khẩu. Tuy nhiên, với một số mặt hàng như than củi, ngoài việc quan tâm, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng nên thận trọng, xem xét nguồn gốc xuất xứ, nếu không sẽ có những rủi ro cho xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng cho biết, nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng trên từ Việt Nam của các nước Trung Đông khá lớn. Tuy nhiên, do đây là mặt hàng mới nên Bộ chưa có thống kê đầy đủ số lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu than củi từ năm 2015 đến nay.
Nguồn: Đức Tài/Nhipcaudautu.vn