Giá cả
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ghi nhận vào tháng 1, giá cá tra loại I tại trại là 29.000 - 29.500 đồng/kg, giảm từ mức đỉnh 34.000 đồng/kg trong mùa thu năm 2018 do nhu cầu thu mua nguyên liệu khá thấp. Các công ty bắt đầu giảm và ngưng thu mua cá nguyên liệu để tập trung giao nốt các đơn hàng trước Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, sau Tết, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm về trung bình 28.000 - 28.500 đồng/kg.
Đến đầu tháng 3, tại An Giang, giá cá tra thịt trắng mua tại hầm, quầng với trong lượng 0,8 - 1kg/con giảm về 27.000 - 28.000 đồng/kg tính đến hết tuần đầu tiên của tháng. Mức giá này giảm 2.000 đồng so với tuần trước đó và giảm 1.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra thịt hồng cũng giảm 2.000 - 2.200 đồng so với tuần trước đó xuống còn 26.300 - 26.900 đồng/kg.
Tính đến ngày 13/3, giá cá tra nguyên liệu kích thước trên 1kg/con tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn 23.000 - 24.000 đồng/kg. Cùng ngày, các công ty thủy sản như Vĩnh Hoàn, IDI, Nam Việt, Hòa Phát, Caseamex, báo giá thu mua cá tra kích thước 700 - 900 gram/con cũng trong khoảng giá trên, theo trang Agromonitor.
Tại Cần Thơ, giá cá trong giai đoạn thu hoạch sụt giảm chỉ còn 25.500 đồng/kg loại 800g/con), trong khi trước đó cách đây nửa tháng giá ở mức 29.000 đồng/kg. Nguyên nhân bởi thương lái không thu mua. Tại Vĩnh Long, giá cá tra giảm hiện chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp, giá cá tra nguyên liệu những tháng đầu năm 2019 liên tục giảm do nguồn cung gia tăng trong khi đợt đặt hàng vẫn ở mức thấp. Bộ ước tính sản lượng cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 157.000 tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng tăng mạnh hầu hết các tỉnh nuôi cá tra trọng điểm. Cụ thể, An Giang tăng 13,5% (đạt 55.600 tấn), Bến Tre tăng 22,7% (đạt 27.000 tấn), Cần Thơ tăng 26,3% (đạt 21.700 tấn), Đồng Tháp tăng 4,3% (đạt 33.600 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, cá thu năm nay trúng mùa, được giá. Gần nửa tháng qua, nhiều ngư dân ở cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vui mừng vì liên tiếp trúng mùa, được giá cá thu.
Ghi nhận thực tế tại địa phương, hàng chục tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân đang tấp nập cập bến để bán cá cho các vựa ở cửa biển Rạch Gốc. Trung bình, sau chuyến biển từ 7 – 10 ngày, mỗi phương tiện cập bến bán cho vựa cá từ 1 – 3 tấn cá thu các loại (tùy theo kích cỡ).
Theo đó, giá cá thu đang ở mức khá cao từ 100 – 110 ngàn đồng/kg (cá loại 1), cá loại 2 có giá từ 80 – 85 ngàn đồng/kg. Với mức giá hiện tại, mỗi phương tiện bán cá cho vựa có thu nhập từ hơn 80 – 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi phương tiện lãi hơn 50 – 120 triệu đồng.
Bến Tre là một trong những tỉnh có phong trào nuôi nghêu phát triển khá mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung ở các huyện biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 hợp tác xã nuôi nghêu ở 3 huyện biển với tổng diện tích 7.414 ha; trong đó, có 3.762 ha diện tích có nghêu, gồm 345 ha nghêu giống và 3.417 ha nghêu thịt.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận tình trạng nghêu chết rải rác bất thường tại Hợp tác xã Thủy sản An Thủy, với số lượng nghêu thiệt hại hơn 100 tấn, kích cỡ từ 50-80 con/kg.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng nghêu chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh đã khảo sát và tiến hành thu mẫu (mẫu nghêu, mẫu nước, mẫu bùn) gửi Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu xét nghiệm để tìm nguyên nhân nghêu chết bất thường.
Qua kết quả xét nghiệm mẫu của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II) cho thấy, sự chênh lệch nhiệt độ có khả năng gây sốc nhiệt khiến nghêu chết bất thường.
Sản xuất và nuôi trồng thủy sản
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản quý 1/2019 ước tính đạt 1.466,7 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.098,7 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 136,4 nghìn tấn, tăng 5,2%; thủy sản khác đạt 231,6 nghìn tấn, tăng 3,4%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý 1/2019 ước tính đạt 646,2 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 468,2 nghìn tấn, tăng 5%; tôm đạt 101,9 nghìn tấn, tăng 7,6%.
Diện tích nuôi cá tra quý 1/2019 ước tính đạt 3 nghìn ha, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cá tra đạt 250,1 nghìn tấn, tăng 7,7%, trong đó Đồng Tháp đạt 98,9 nghìn tấn, tăng 3,9%; An Giang đạt 81,6 nghìn tấn, tăng 11,3%; Cần Thơ đạt 36,4 nghìn tấn, tăng 13%. Nuôi tôm nước lợ đang vào vụ thả nuôi chính trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Sản lượng tôm sú quý 1/2019 ước tính đạt 43,1 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 45,6 nghìn tấn, tăng 8,9%.
Sản lượng thủy sản khai thác quý 1/2019 ước tính đạt 820,5 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 630,5 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 34,5 nghìn tấn, giảm 1,1%. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, chi phí hoạt động khai thác ổn định, nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân tăng tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Ước tính sản lượng thủy sản khai thác biển quý 1/2019 đạt 785,1 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 606,1 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm đạt 31,6 nghìn tấn, giảm 0,9%.

Hoạt động xuất-nhập khẩu
Xuất khẩu: Quý 1/2019 kim ngạch giảm nhẹ so với cùng kỳ
Theo số liệu ước tính từ Cục XNK (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2019 Việt Nam thu về 630 triệu USD, tăng 69% so với tháng 2/2019, nhưng giảm 9,6% so với tháng 3/2018. Nâng kim ngạch xuất khẩu trong quý 1/2019 lên 1,73 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, hai tháng đầu năm 2019 xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ, riêng tháng 2/2019 đạt 372,78 triệu USD, giảm 49,7% so với tháng 2/2019.
Về thị trường trong 2 tháng đầu năm 2019 có 6 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD đó là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á; trong đó, xuất sang Nhật Bản đạt 180,1 triệu USD, chiếm 16,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 177,88 triệu USD, chiếm 16%, tăng 8%. EU chiếm 14,5%, đạt 161,21 triệu USD, giảm 11%. Trung Quốc chiếm 10,9%, đạt 121,24 triệu USD, tăng 8,8%. Hàn Quốc chiếm 9,6%, đạt 106,66 triệu USD, tăng 1%. Đông Nam Á chiếm 9,1%, đạt 101,17 triệu USD, tăng 9,2%.
Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản sang gần như toàn bộ các thị trường trong tháng 2/2019 đều sụt giảm kim ngạch so với tháng 1/2019, trong đó các thị trường giảm mạnh 74 – 85% là Brazil, Kuwait, Ba Lan. Mặc dù vậy nhưng tính chung trong cả 2 tháng đầu năm nay, số thị trường tăng kim ngạch lại chiếm đa số, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường: Ukraine tăng 185,8%, đạt 3,04 triệu USD; Ai Cập tăng 110,5%, đạt 6,43 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 70,7%, đạt 1,57 triệu USD.
Đối với cá tra, theo Bộ Nông nghiệp kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 đạt 108 triệu USD, giảm hơn 49% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 320 triệu USD, tăng 21,1%.
Nguyên nhân xuất khẩu cá tra sụt giảm theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh An Giang (AFA), cũng chưa rõ tình trạng này do đâu bởi 2018 là năm đại thành công của ngành cá tra Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm trước.
Theo phân tích Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), do thị trường tiêu thụ lớn nhất cá tra Việt Nam là Mỹ giảm nhập khẩu khiến giá cá trong nước tụt xuống. Cuối năm 2018, Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ số lượng lớn cá tra nên bên đó đang tồn hàng, họ nhập khẩu chậm lại. Tuy nhiên, dự báo giá cá nguyên liệu sẽ tăng khi thị trường Mỹ tăng nhập khẩu trở lại.
Bên cạnh đó, một số tỉnh ở Trung Quốc đã nuôi được cá tra và đang nhân rộng diện tích nuôi. Do đó, ngành cá tra Việt Nam thời gian tới sẽ bị cạnh tranh bởi cá tra có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì vậy, phải chú trọng nâng chất lượng cá tra để dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, phòng tránh rủi ro ở Trung Quốc.
Nhập khẩu
Ngược lại, Việt Nam cũng phải nhập 140 triệu USD hàng thủy sản trong tháng 3/2019, tăng 30,3% so với tháng 2/2019 và tăng 4% so với tháng 3/2018, nâng kim ngạch nhập khẩu quý 1/2019 lên 404 triệu USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ (số liệu ước tính từ Cục XNK – Bộ Công Thương).
Về thị trường, 2 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu thủy sản chủ yếu từ các thị trường Nauy, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á… theo đó Na Uy đạt kim ngạch cao nhất 33,9 triệu USD, tăng 21,53% so với cùng kỳ, riêng tháng 2/2019 nhập khẩu thủy sản từ thị trường này giảm 29,46% chỉ đạt 14 triệu USD so với tháng 1/2019, nhưng tăng 59% so với tháng 2/2018. Kế đến là thị trường Ấn Độ, nhưng tốc độ nhập từ thị trường này giảm 55,79% chỉ đạt 28,65 triệu USD, riêng tháng 2/2019 giảm 38,72% so với tháng 1/2019 và giảm 49,1% so với tháng 2/2018 tương ứng với 10,88 triệu USD.
Đáng chú ý, trong 2 tháng 2019 Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu hàng thủy sản từ thị trường Hàn Quốc, tuy chỉ đạt 14,49 triệu USD, nhưng tăng 82,26% so với cùng kỳ, riêng tháng 2/2019 đã nhập từ Hàn Quốc 7,39 triệu USD, tăng 4,69% so với tháng 1/2019 và tăng gấp 2,1 lần (tức tăng 141,11%) so với tháng 2/2018. Ngược lại, Việt Nam giảm mạnh nhập từ thị trường Ba Lan, giảm 67,54% tương ứng với 657,79 nghìn USD, riêng tháng 2/2019 nhập từ thị trường này giảm 82,71% so với tháng 1/2019 và giảm 90,74% so với tháng 2/2018.
Cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt vào thị trường Trung Quốc
Trong số những thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, thì Trung Quốc – một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực và có cơ hội lớn, bởi khoảng cách và vị trí địa lý thuận lợi. Ngoài ra, trong 10 năm trở lại đây Trung Quốc nổi lên là thị trường chuyên về nhập khẩu thủy sản thay vì chuyên về xuất khẩu như trước đây. Trong giai đoạn 2013-2017, nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản vào Trung Quốc đạt hơn 8 tỷ USD.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc khoảng hơn 3 triệu tấn/năm chưa kể nguồn nuôi trồng khai thác rất lớn ở trong nước. Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về sản lượng nuôi tôm nhưng cũng chỉ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, xu hướng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đang tăng nhu cầu đối với thuỷ sản nhập khẩu do lo ngại về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng sản phẩm nước ngoài và khai thác tự nhiên. Đặc biệt sẵn sàng bỏ tiền ra mua đối với các sản phẩm đã được thị trường Mỹ và châu Âu chấp nhận. Điển hình như sản phẩm cá tra Việt Nam từ ngày vào Mỹ đã tăng mức tiêu thụ tại trung Quốc.
Theo thống kê của Tổ chức thương mại toàn cầu, Việt Nam nằm trong top 10, chiếm thị phần 3% xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,2-1,3 tỷ USD - đứng thứ 3 về nguồn cung vào thị trường Trung Quốc trong đó chủ yếu là xuất khẩu biên mậu. Các sản phẩm Việt Nam tại Trung Quốc chiếm thị phần lớn là tôm và cá tra. Trong đó, tôm sú chiếm tỉ trọng cao và luôn tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, có năm đạt mức tăng 50% so với năm trước.
Mặc dù thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn song yêu cầu về chất lượng và các tiêu chuẩn cũng ngày một khắt khe, kéo theo lượng xuất khẩu của ngành thủy sản sang nước này có xu hướng sụt giảm, nhất là xuất qua đường biên mậu và đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường nâng cao chất lượng để xuất chính ngạch.
Theo các doanh nghiệp, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua đường biển hiện đang rất thuận lợi bởi chi phí rẻ. So với xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bằng đường bộ, xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro về thanh toán, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được chi phí.
Tổng thứ ký VASEP cho biết, năm 2019 sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu bằng đường biển vào các thành phố lớn của Trung Quốc nếu đáp ứng đầy đủ những tiêu chí về an toàn chất lượng mà nước này đưa ra. Đặc biệt, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng thủy sản đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang online tại Trung Quốc - Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh việc tự mình nỗ lực đảm bảo các yêu cầu chất lượng, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt hoạt động xuất khẩu biên mậu, đặc biệt là chứng thư xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều của hàng xuất khẩu vào Trung Quốc, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp và hình ảnh sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông qua việc phối hợp tốt với Chính phủ Trung Quốc trong việc cập nhật danh mục các sản phẩm được phép xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.
Nguồn: VITIC Tổng hợp/Người Lao động, Nông nghiệp Việt Nam, Người đồng hanh,Congthuong.vn

Nguồn: Vinanet