Tính đến hết ngày 28/3/2020, 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc; 667.413 người mắc, 30.840 người tử vong.
Trên toàn thế giới, người tiêu dùng lo ngại tình trạng khan hiếm hàng hóa sẽ xảy ra trong trường hợp bị phong tỏa nên vội vã mua tích trữ các mặt hàng thiết yếu như thuốc men, giấy vệ sinh… và đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Hiện giá một số thực phẩm bắt đầu tăng do nhu cầu mua tăng đột biến. Giá hợp đồng lúa mì tương lai tại Chicago, mức giá chuẩn cho thị trường thế giới, tăng hơn 6% trong tháng 3. Giá thịt bò bán buôn tại Mỹ lên cao nhất kể từ năm 2015. Giá trứng cũng có xu hướng tăng. 

Giá gạo thế giới trong nửa đầu tháng 3/2020 tăng mạnh do nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ thuận lợn và giá sẽ còn tăng tiếp. Giá lúa mì ở Chicago cũng tăng gần 10% trong tháng này.

Trong khi đó, đồng USD tăng giá mạnh so với loạt đồng tiền của nhóm thị trường mới nổi, kéo giảm sức mua hàng hóa (thường được định giá bằng đồng USD). Nói chung, bất cứ khi nào xảy ra gián đoạn nguồn cung vì bất cứ lý do gì, các nước phát triển thấp nhất với đồng nội tệ yếu ớt vẫn là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất, Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích độc lập Ann Berg nói. 

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của việc giá gạo tăng là do vấn đề hậu cần. “Việt Nam đã tạm dừng xuất khẩu, Ấn Độ phong tỏa toàn quốc, Thái Lan cũng có thể sẽ tuyên bố áp dụng những biện pháp tương tự”, Reuters dẫn lời một trong những nhà kinh doanh gạo hàng đầu thế giới - có trụ sở ở Singapore – cho biết.

Giá gạo của Thái Lan (loại 5% tấm – dùng tham chiếu cho toàn thị trường gạo nước này) đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2013, là 492,5 USD/tấn. Hồi khủng hoảng tài chính năm 2008, giá gạo đã từng đạt mức kỷ lục của mọi thời đại, là 1.000 USD/tấn, khi đó hàng loạt các quốc gia hạn chế xuất khẩu gạo giữa bối cảnh làn sóng mua mạnh từ phía người tiêu dùng đẩy giá tăng vọt.
Trong bối cảnh đó, để ngăn ngừa tình trạng mất an ninh lương thực, một số nước đã có động thái hạn chế xuất khẩu các loại lương thực chủ chốt.
Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, đã tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ 0 giờ ngày 24/3, Hải quan các địa phương tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức. Chủ trương nhằm đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia của Chính phủ được đa số doanh nghiệp và người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đồng tình ủng hộ.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng đang thực hiện phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày – điều khiến cho một số kênh hậu cần bị gián đoạn.
Kazakhstan – nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 9 thế giới - đã quyết định cấm xuất khẩu sản phẩm này cùng với một số mặt hàng nông sản khác như cà-rốt, đường, khoai tây. Trước khi ngưng xuất khẩu lúa mỳ, Kazakhstan đã dừng bán một số sản phẩm lương thực khác như kiều mạch, hành tây. Bước đi mới nhất của Kazakhstan có tầm ảnh hưởng lớn hơn, có thể ảnh hưởng nhiều đến các công ty trên thế giới phụ thuộc nguồn cung vào lúa mỳ để làm bánh mỳ.
Serbia cũng đã ngưng xuất khẩu dầu hướng dương và sản phẩm khác. Nga vẫn để ngỏ khả năng ban hành lệnh cấm xuất khẩu và cho biết sẽ đánh giá tình hình hàng tuần. Liên minh Dầu thực vật Nga đã đề nghị Chính phủ hạn chế xuất khẩu hạt hướng dương. Sản lượng dầu cọ ở Malaysia – nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới – cũng bị chậm lại.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nga ngày 27/3 cho biết Bộ này đã đề xuất giới hạn xuất khẩu ngũ cốc trong vồng 3 tháng, khiến các nhà xuất khẩu lúa mì của nước này rất lo ngại. Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Theo đó, Bộ đề xuất giới hạn xuất khẩu ở 7 triệu tấn trong giai đoạn tháng 4-6/2020. Trong giai đoạn tháng 7-12/2019, Nga đã xuất khẩu 25,2 triệu tấn lúa mì, lúa mạch và mạch đen. Từ đầu năm đến ngày 26/3/2020, xuất khẩu lúa mì, lúa mạch, mạch đen và ngô đạt 7,2 triệu tấn.
Về phía các nước nhập khẩu, Iraq thông báo cần mua 1 triệu tấn lúa mì và 250.000 tấn gạo sau khi “Ban Chống khủng hoảng” tư vấn Chính phủ nên xây dựng các kho dự trữ lương thực chiến lược.

Những nước nhập khẩu lúa mì lớn như Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa mở các gói thầu mua gạo mới. Trong khi đó, Morocco cho biết ngừng áp thuế với lúa mì nhập khẩu tới giữa tháng 6. 

Đối với một số mặt hàng, nguồn cung chủ yếu do một số nhóm nhỏ các nước xuất khẩu nắm giữ. Việc đứt gãy cung ứng này sẽ có tác động lớn đến toàn cầu. Ví dụ trường hợp của Nga, nước xuất lúa mỳ hàng đầu thế giới và là nhà cung ứng chủ chốt cho Bắc Phi. Việc Kazakhstan ngừng xuất khẩu bột mì có thể ảnh hưởng đến những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung này để làm bánh mì trên toàn thế giới. 

Tình hình nguồn cung lương thực toàn cầu

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng gạo và lúa mì – 2 loại lương thực được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới – dự báo sẽ đạt kỷ lục 1,26 tỷ tấn trong năm nay. Việt Nam là nước nông nghiệp, năm 2019 sản lượng lúa cả nước đạt 43,8 triệu tấn. Trong đó, khu vực phía Nam với khoảng 1,6 ha đất lúa sản xuất khoảng 27,5 triệu tấn, ĐBSCL đạt 24,7 triệu tấn. Khu vực ĐBSCL lại sản xuất lúa 3 vụ/năm, trong khi các nước trên thế giới không có nước nào sản xuất lúa 3 vụ/năm như Việt Nam.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, các tỉnh phía Nam xuống giống được 1,505 triệu ha, tăng 60 nghìn ha so với vụ Đông Xuân năm ngoái (1,445 nghìn ha), đạt năng suất khá cao từ 6,8-6,9 tấn/ha.
Vụ Hè Thu 2020 đã xuống giống được 80 nghìn ha/1,6 triệu ha diện tích kế hoạch. Với giá lúa gạo tốt như hiện nay chắc chắn vụ Hè Thu bà con sẽ tăng diện tích, cơ hội xuất khẩu gạo sẽ tăng, có thể vụ Thu Đông cũng sẽ tăng diện tích sản xuất.
Trang Bizlive dẫn lời ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, dựa trên những cơ sở nêu trên, sẽ không xảy ra chuyện Việt Nam thiếu gạo, và trên các cánh đồng ở ĐBSCL luôn có cây lúa hiện diện và các tỉnh trong vùng luân phiên thu hoạch lúa.
Cũng theo trang Bizlive dẫn lời ông Đỗ Hà Nam, bên cạnh sản lượng trong nước, thị trường Việt Nam còn có lượng lúa gạo từ Campuchia về. Cùng với đó còn có một lượng lúa gạo nhất định do nông dân sống ở biên giới sang Campuchia thuê đất trồng lúa, thu hoạch xong bà con chở lúa về. Tuy nhiên, thời gian gần đây do dịch Covid-19 biên giới bị đóng cửa nên việc vận chuyển lúa của bà con gặp khó khăn. Nguồn cung đó vượt qua nhiều so với mức tổng tiêu thụ 2 loại lương thực này, do đó lượng tồn kho cuối niên vụ dự báo sẽ cao kỷ lục 469,4 triệu tấn.

Nguồn cung thực phẩm trên thế giới vẫn dồi dào nhưng những rào cản về logistics lại khiến việc vận chuyển hàng hóa tới nơi người dân cần ngày càng khó khăn. Nguyên nhân là dịch Covid-19 buộc các chính phủ phải triển khai biện pháp đối phó chưa từng có, dấy lên làn sóng tích trữ đồ trong hoảng loạn và nguy cơ khủng hoảng lao động. 

Tuy nhiên, những con số đó được tính toán trên cơ sở nguồn cung từ nơi sản xuất được chuyển đến nơi tiêu thụ một cách dễ dàng, và có tính tới một số sản phẩm thay thế như thông lệ.  Năm 2008 thị trường gạo thế giới đã từng khủng hoảng khi giá tăng lên 1000 USD/tấn.

Tuy nhiên, không giống như những giai đoạn giá lương thực lên cao trước đây, tồn kho các mặt hàng thiết yếu như ngô, lúa mì, đậu tương và gạo, trên toàn cầu hiện rất dồi dào, nên giá cả sẽ không tăng mạnh, ông Dan Kowalski, Phó chủ tịch mảng nghiên cứu tại ngân hàng nông nghiệp CoBank, dự báo. 

“Lần này, chung tôi không cho rằng thị trường sẽ lặp lại tình huống như năm 2008”, Reuters dẫn lời một thương gia Singapore cho biết, đồng thời thêm rằng: “Điều quan trọng hiện nay là thế giới có đủ nguồn cung, nhất là Ấn Độ - nơi có lượng gạo dự trữ rất lớn”.

Tồn trữ gạo thế giới năm nay dự báo lần đầu tiên trong lịch sử sẽ vượt mức 180 triệu tấn, cao hơn 28% so với niên vụ 2015/16.Mặc dù lượng tồn trữ gạo thế giới đang ở mức cao kỷ lục lịch sử, song lượng tồn trữ đó không được phân phối đồng đều ở các khu vực, trong đó chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã nắm giữ tới trên 153 triệu tấn.
Điều đó có nghĩa là những khách hàng lớn như Philippines – nhà nhập khẩu gạo hàng đầu Châu Á – và Châu Phi có thể sẽ dễ bị tổn thương nếu mùa màng trong nước thu hoạch trễ.

Tình hình nguồn cung của các nước nhập khẩu

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, ông William Dar, cho biết: "Dự trữ gạo của chúng tôi đang ở mức cao, đủ dùng trong 75 ngày. Chúng tôi có đủ gạo trong hai tháng tới". Theo ông Dar, với nguồn cung sẽ được bổ sung từ vụ thu hoạch mùa khô, Philippines có đủ gạo dùng trong 4 tháng.
Mặt khác, những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất Châu Á, trong đó có Indonesia – nước nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới – đã nhập khẩu đủ lượng dùng cho đến tháng 6 tới.
“Hiện chúng tôi không cần phải vội nhập khẩu lúa mì vì nguồn cung đang vượt nhu cầu”, Reuters dẫn lời một thương gia khác thuộc một công ty thương mại quốc tế cũng ở Singapore cho biết. Doanh nghiệp này thường bán lúa mì Mỹ và lúa mì Biển Đen cho các khách hàng ở Châu Á.

Chính sách cấm xuất khẩu vì dịch Covid-19 dự báo sẽ không kéo dài. Hơn nữa, những dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh đang cải thiện sẽ ngăn các quốc gia thực hiện biện pháp quyết liệt hơn. Khi người tiêu dùng thấy hàng hóa xuất hiện nhiều hơn ở siêu thị, họ cũng sẽ ngừng tích trữ. X5 retail, nhà bán lẻ lớn nhất nước Nga, cho biết nhu cầu mua thực phẩm thiết yếu đang dần ổn định. Tại Mỹ, các hệ thống siêu thị lớn như Walmart cũng giảm giờ làm cho nhân viên để dưỡng sức. 

Nguồn: VITIC tổng hợp từ Reuters và một số nguồn khác