Giá dầu tăng trong tháng qua do những nguyên nhân sau:
Nhu cầu dầu thế giới bắt đầu tăng lên khi một số quốc gia bắt đầu nối lại hoạt động kinh tế và đi lại, ngoài ra OPEC+ tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày đến hết tháng 7/2020. Sản lượng tại một số quốc gia sản xuất lớn ngoài OPEC+ cũng giảm nhất là Mỹ và Canada, các nhà sản xuất dầu ở đó đã nhiều tuần liên tiếp giảm số giàn khoan xuống mức thấp kỷ lục mặc dù giá dầu đã tăng khoảng 133% trong 8 tuần qua.
Giá dầu WTI, Brent, xăng RON 92 tháng 6/2020
ĐVT: USD/thùng

Nguồn: Reuters
Giá xăng và lợi nhuận của các nhà tinh chế xăng Châu Á đang tăng trở lại từ mức thấp của tháng 4 và tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng cao. Các tàu trên biển chứa xăng dự trữ ở Indonesia, Sri Lanka và Malaysia đã dần được giải phóng hết lượng hàng tồn trữ.
Tuy nhiên đà tăng đã chậm lại so với tháng trước, khi thị trường lo sợ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai như tại một số bang của Mỹ hay Bắc Kinh và một số quốc gia khác có thể khiến nhu cầu dầu lại sụt giảm.
Trong tháng 6/2020 giá xăng dầu có 2 lần điều chỉnh tăng vào ngày 12/6 và 27/6, tổng cộng xăng RON 95 và xăng E5 RON 92 đều tăng 1.850 đồng/lít, diesel tăng 1.370 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.280 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.410 đồng/lít (lấy theo giá của Petrolimex).
Giá mặt hàng xăng dầu của Petrolimex sau lần điều chỉnh ngày 27/6/2020

Dự báo
Bất chấp việc cắt giảm sản lượng được thực hiện, OPEC vẫn dự báo thị trường dư thừa nguồn cung trong năm nay, một phần vì hiện nay nguồn cung ngoài tổ chức này cao hơn 300.000 thùng/ngày so với dự kiến ban đầu.
Dự báo giá dầu sẽ tăng nhẹ lên 40 USD/thùng trong tháng 7/2020 khi các quốc gia tiếp tục nới lỏng việc phong tỏa. Tuy nhiên, nếu làn sóng nhiễm virus corona thứ 2 bùng phát mạnh, có khả năng một số quốc gia lại thắt chặt việc phong tỏa khiến nhu cầu giảm và giá dầu sẽ giảm dưới 40 USD/thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu năm 2020 đang phục hồi khỏi mức sụt giảm lớn nhất trong lịch sử, nhưng chuyến bay vẫn ít do lo sợ virus corona, điều này có nghĩa là thế giới sẽ không trở lại mức bình thường trước đại dịch cho đến năm 2022.
IEA cho biết việc đi lại bằng hàng không bắt đầu tăng nhẹ trong giữa tháng 5/2020 và tăng tốc trong tháng 6/2020 do phong tỏa kinh tế nhằm hạn chế sự lây lan của virus đã được nới lỏng, nhưng vẫn giảm hơn 70% so với mức năm 2019.
IEA nâng dự báo nhu cầu dầu năm 2020 gần 500.000 thùng/ngày do nhập khẩu mạnh hơn dự kiến tại Châu Á.
Nguồn cung toàn cầu giảm 11,8 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2020, IEA cho biết OPEC+ đã giảm sản lượng 9,4 triệu thùng/ngày.
Sản lượng từ các quốc gia không tham gia thỏa thuận giảm 4,5 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm nay, sản lượng của Mỹ có thể giảm 900.000 thùng/ngày trong năm 2020 và giảm thêm 300.000 thùng/ngày trong năm tới trừ khi giá dầu tăng khuyến khích đầu tư mới trong dầu đá phiến.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tiêu thụ dầu mỏ sẽ đạt trung bình 92,5 triệu thùng/ngày trong cả năm 2020, giảm 8,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019, nhưng sẽ tăng 7,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021. EIA dự kiến nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt trung bình 92,6 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020, giảm 7,9 triệu thùng/ngày so với quý 2/2019. Nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm xuống 92 triệu thùng/ngày trong quý 3/2020 trước khi tăng lên trung bình 97,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
OPEC dự đoán nhu cầu dầu thế giới năm 2020 giảm 9,1 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo trong tháng trước. Tổng tiêu thụ toàn cầu trong năm nay dự kiến trung bình 90,6 triệu thùng/ngày.
 

Nguồn: VITIC