Nhắc đến cuộc chiến giá dầu, người ta sẽ nhắc tới Nga và Arab Saudi như là 2 đầu chiến tuyến chính. Những tưởng mọi mâu thuẫn sẽ được giải quyết khi OPEC và đồng minh (OPEC+) ngày 9/4 nhất trí giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 12/4, OPEC+ mới có thể hoàn tất thỏa thuận sau khi giàn xếp xong với Mexico, quốc gia duy nhất phản đối phần giảm sản lượng của mình trong cuộc họp ngày 9/4. Mức giảm cuối cùng cũng thay đổi, giảm xuống còn 9,7 triệu thùng/ngày trong 2 tháng tới.
Không phải ngẫu nhiên mà Mexico lại lên tiếng phản đối cũng như OPEC+ chấp nhận để quốc gia này giảm 100.000 thùng dầu/ngày, bằng 1/4 so với yêu cầu ban đầu. Bởi, Mexico có một vũ khí rất mạnh giúp họ tránh được rủi ro đến từ việc giá dầu xuống thấp, đó là giao dịch phòng vệ giá (hedge) với giá trị lớn trên Phố Wall.
Hoạt động phòng vệ giá dầu được xem là một bí mật cấp chính phủ, là thứ đảm bảo để Mexico có thể đối phó với tình trạng giá dầu thấp và có thể là yếu tố khiến quốc gia châu Mỹ Latin này không dễ dàng chấp nhận yêu cầu từ OPEC+.

Quyền chọn bán là một loại hợp đồng trong đó người nắm giữ quyền chọn có quyền (nhưng không bị bắt buộc) bán một loại tài sản nào đó với giá được định trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai. Với quyền chọn bán kiểu châu Á, giá bán được xác định là giá trung bình của tài sản đó trong một khoaảng thời gian nhất định. Với quyền chọn bán kiểu Mỹ hay châu Âu, giá bán là giá của tài sản đó vào thời điểm bán.

đã mua các quyền chọn bán kiểu châu Á từ một nhóm nhỏ gồm các ngân hàng đầu tư và công ty dầu khí. Đây được xem là thỏa thuận dầu hàng năm lớn nhất và được theo dõi sát sao nhất Phố Wall.
Quyền chọn này cho phép Mexico bán dầu của họ với mức giá được định trước, vì vậy, nó được xem như là một hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, Mexico vừa có thể hưởng lợi khi giá dầu lên cao vừa được đảm bảo dầu được bán ở mức giá tối thiểu. Nếu giá dầu vẫn thấp hoặc tiếp tục giảm sâu, Mexico vẫn có thể bán với giá cao hơn.
Tất nhiên, đây không phải là lý do duy nhất khiến Mexico phản đối yêu cầu của OPEC+. Nhưng việc phòng vệ giá có thể giúp quốc gia Latin này củng cố tiếng nói trong thế giới dầu mỏ, cũng như giúp họ không rơi vào tình trạng bế tắc giống như các quốc gia có ngân sách bị giảm đáng kể vì dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu Nga – Arab Saudi.
Còn lý do chính khiến Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador chống lại yêu cầu ban đầu của OPEC+ là cam kết của ông về việc phục hồi hoạt động sản xuất dầu thông qua tập đoàn dầu khí quốc gia Petroleos Mexicanos (Pemex). Giảm 400.000 thùng dầu/ngày đồng nghĩa ông Obrador phải tạm bỏ qua kế hoạch tham vọng giúp Pemex trở lại thời vinh quang trước đây.
Động thái phòng vệ giá đã giúp Mexico vượt qua mọi cuộc suy thoái trong suốt 20 năm qua. Quốc gia này từng thu về 5,1 tỷ USD khi giá dầu lao dốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Năm 2015, Mexico kiếm được 6,4 tỷ USD trong năm 2015 và thêm 2,7 tỷ USD trong năm 2016 sau khi Arab Saudi châm ngòi cho một cuộc chiến giá dầu khác.
Tuy nhiên, để làm được việc này, cái giá phải trả là hàng năm, Mexico phải chi khoảng 1 tỷ USD để mua quyền chọn. “Chính sách bảo hiểm này không hề rẻ chút nào. Nhưng nó lại phát huy tác dụng vào những lúc như thế này. Ngân sách tài chính của chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Tài chính Mexico Arturo Herrera nói với Televisa.
Pemex cũng thực hiện giao dịch phòng vệ giá riêng nhưng quy mô nhỏ hơn. Năm 2020, Pemex mua quyền chọn bán với 234.000 thùng dầu/ngày với giá trung bình là 49 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu Mexico. Ảnh: Bloomberg.
Mexico tiết lộ rất ít thông tin về kế hoạch phòng vệ giá dầu trong năm 2020 sau khi tuyên bố đây là một bí mật quốc gia.
Chính phủ Mexico từng nói với các nhà lập pháp rằng họ sẽ đảm bảo doanh thu tương đương với thời kỳ giá dầu Brent ở 60 – 65 USD/thùng. Như vậy, doanh thu chỉ có thể đến từ 2 yếu tố: một là hoạt động phòng vệ giá và hai là quỹ bình ổn giá dầu quốc gia.
Trong những năm trước, quỹ bình ổn của Mexico chỉ có thể trích lập 2 – 5 USD cho mỗi thùng dầu, nên có thể giả định rằng quốc gia này thực hiện phòng vệ ở mức giá ít nhất 45 USD/thùng. Trước đó, Mexico từng mua quyền chọn bán với khoảng 250 triệu thùng dầu, gần bằng tổng xuất khẩu dầu ròng của quốc gia này trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2018 tới ngày 30/11/2019. Như vậy, nếu phòng vệ ở mức giá trung bình là 42 USD/thùng như thời điểm tháng 12/2019, họ sẽ nhận về hàng tỷ USD.
Nếu giá dầu Mexico tiếp tục giảm cho tới cuối tháng 11, giá trung bình giảm xuống còn hơn 20 USD/thùng, quốc gia này sẽ thu về gần 6 tỷ USD từ giao dịch phòng vệ, theo tính toán của Bloomberg News.

Nguồn: Thanh Long/Người đồng hành (Theo Bloomberg)