Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các công ty xuất khẩu hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do việc giảm giá dăm trên thị trường thế giới. Giá xuất khẩu giảm cộng với việc áp thuế xuất khẩu 2% làm cho các doanh nghiệp buộc phải mua dăm với giá thấp hơn. Bên cạnh đó, cầu tiêu thụ dăm tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã co lại dẫn đến sự ùn tắc trong xuất khẩu.

Cung cầu quốc tế về mặt hàng dăm xuất hiện những thay đổi, tạo ra một số khó khăn trực tiếp cho ngành dăm của Việt Nam. Trong nỗ lực nhằm hạn chế xuất khẩu dăm, Việt Nam áp dụng mức thuế xuất khẩu 2% bắt đầu kể từ đầu 2016.

Theo ông Tô Xuân Phúc (chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, Mỹ) áp dụng mức thuế 2% trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn. Mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm xuất khẩu.

Việc hạn chế xuất khẩu dăm, tạo nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ là hoàn toàn đúng đắn, nhưng thực hiện chiến lược thông qua giải pháp áp dụng 2% mức thuế xuất khẩu như hiện nay cần được kiểm chứng về hiệu quả trên thực tiễn của chính sách này.

Những khó khăn hiện tại của ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam không chỉ đơn thuần là về biến động cung-cầu của thị trường tiêu thụ mà còn do những vấn đề nội tại của ngành. Đặc biệt có liên quan đến phát triển nóng, phát triển ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng hiện diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt là các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Bắc Trung Bộ.

Trước mắt vấn đề là lượng dăm tồn, không xuất khẩu được tại Việt Nam đang rất lớn. Tụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không phải chỉ riêng cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chế biến xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung.

Ông Nguyễn Như Xuân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nam (Vijachip), kiến nghị nếu có thể được hoãn hoặc miễn việc áp thuế xuất khẩu, mặc dù giá trị nhỏ nhưng có tác động lớn. Việc áp thuế có lộ trình đủ thời gian nhất định để các nhà sản xuất chuẩn bị nguồn lực sang chế biến sâu và người trồng rừng chuyển sang một bước kinh doanh mới. Như vậy sẽ có được sự phát triển bền vững.

Nếu từ nay đến cuối 2016 xu hướng xuất khẩu này không thay đổi, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, bằng khoảng 1/2 kim ngạch của năm 2015; lượng dăm xuất khẩu cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương với khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của 2015.

Thực tế ngành dăm gỗ trong những năm qua được đánh giá đang phát triển rất nóng. Hơn nữa thị trường gỗ dăm của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, việc tranh mua tranh bán vẫn tồn tại. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất dăm lớn nhất thế giới nhưng hầu như việc xuất khẩu dăm gỗ phụ thuộc vào một vài nhà buôn lớn trên thế giới điều tiết.

Năm 2015 Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu khối dăm gỗ, thu về 1,2 tỷ USD, trong khi toàn ngành gỗ thu về 7 tỷ USD. Con số này cho thấy dù là mặt hàng phụ nhưng dăm gỗ đang chiếm một tỉ trọng đáng quan tâm trong giá trị của toàn ngành gỗ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, dù là phụ phẩm của ngành gỗ nhưng rõ ràng việc sản xuất dăm gỗ để xuất khẩu đang là điều tất yếu. “Chủ trương Nhà nước nhất quán là giảm tỉ trọng dăm trong cơ cấu xuất khẩu chứ không dùng biện pháp hành chính để "ép" ngành dăm. Chính sách về thuế dăm đã bàn trong 5 năm qua, việc  áp mức thuế xuất khẩu 2% không phải là bất ngờ và chiến lược phát triển ngành công nghiệp gỗ cũng đã rất rõ”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Với 8 triệu khối dăm gỗ nếu doanh nghiệp trong nước có tinh thần đoàn kết, vai trò của hiệp hội được nâng cao thì đây là cơ hội rất tốt để ngành sản xuất dăm gỗ đi vào sản xuất bền vững.

Nguồn: chinhphu.vn