Bốn tháng đầu năm 2017, nguồn nguyên liệu hai sản phẩm XK chủ lực là tôm và cá tra thiếu, giá nguyên liệu tăng mạnh kéo theo giá XK cũng buộc phải điều chỉnh theo. Đây cũng là một nguyên nhân khiến kim ngạch XK giảm. Tuy nhiên, nhờ sản lượng khai thác và lượng NK tăng cùng với sự linh hoạt của DN xuất khẩu trong việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường, XK cá ngừ, mực, bạch tuộc và hải sản khác đều đạt tăng trưởng dương. Tính đến hết tháng 4/2017, tổng XK thủy sản của cả nước vẫn tăng 7,5%,đạt khoảng 2,16 tỷ USD.

Trong khi sản lượng nguyên liệu tôm, cá tra giảm, giá nguyên liệu tăng cao thì sản lượng cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác tăng, nên đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường trong DN xuất khẩu. Xu hướng dịch chuyển về cơ cấu sản phẩm theo hướng nghiêng dần sang các mặt hàng hải sản được dự báo sẽ tiếp tục trong những tháng tới và cả năm nay.

Tôm:Sau khi tăng trưởng dương 6,7% trong năm 2016, XK tôm Việt Nam 4 tháng đầu năm 2017 đạt 894,4 triệu USD tăng 4,1% với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế CBPG khiến XK tôm sang Hoa Kỳ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Australia.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam XK tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Trong cơ cấu thị trường XK tôm, tỷ trọng XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng do tăng trưởng XK tốt sang các thị trường này. Tỷ trọng XK tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ, Trung Quốc giảm.

Cá tra: 4 tháng đầu năm 2017, sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2017 của ĐBSCL ước đạt 465,9 nghìn tấn, tăng 11,1%; so với cùng kỳ, diện tích nuôi hiện có ước đạt 3.092 ha (giảm 6,2%). Đầu năm nay, không chỉ khó khăn tại thị trường Mỹ, XK cá tra còn gặp khó tại thị trường EU do nhu cầu tiêu thụ chưa hồi phục cộng với áp lực từ truyền thông bôi nhọ tại một số nước. Tuy nhiên, XK sang Trung Quốc, Brazil, Mexico tăng mạnh đã giúp cho giá trị XK cá tra vẫn tăng nhẹ 2,2% đạt 518,6 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã XK cá tra sang 118 thị trường, giảm 3 thị trường thị trường so với cùng kỳ năm 2016. Top 8 thị trường chính gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Brazil, ASEAN, Mexico, Colombia và Arập Xêut, chiếm 79,3%tổng giá trị XK.

Cá ngừ: 4 tháng đầu năm 2017, XK cá ngừ của Việt Nam đạt 169,7 triệu USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước, XK cá ngừ đông lạnh tăng 11%. XK cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường chính truyền thống như Hoa Kỳ và EU. Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 thị trường trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Hải sản khác:4 tháng đầu năm nay, trong nhóm sản phẩm hải sản XK chỉ duy nhất cua ghẹ và giáp xác khác có giá trị XK giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm khác như: cá biển các loại khác giá trị XK đạt 364,5 triệu USD tăng 9,2%; mực, bạch tuộc đạt 156 triệu USD, tăng 39,3%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 31,9 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn: vasep.com.vn