Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến hết tháng 7-2016 đạt gần 123,14 tỷ USD.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến hết tháng 7-2016 đạt gần 123,14 tỷ USD, tăng 3,5% tương ứng tăng hơn 4,14 tỷ USD so với 7 tháng năm 2015 và chiếm 64,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 năm 2016 (từ 16-7-2016 đến 31-7-2016) đạt  hơn 14,76 tỷ USD, tăng 1,7%, tương ứng tăng 247 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7-2016. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch gần 9,58 tỷ USD, tăng 3,8% tương ứng tăng 354 triệu USD so với nửa đầu tháng 7-2016.

Trong kỳ 2 tháng 7-2016 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 638 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa cả nước từ đầu năm đến hết tháng 7-2016 thặng dư hơn 2,25 tỷ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư trong kỳ 2 tháng 7/2016 đạt hơn 1,2 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của khối này từ đầu năm đến hết tháng 7-2016 đạt mức thặng dư hơn 12,06 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7-2016 đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 486 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 7-2016.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 7 tăng so với kỳ 1 tháng 7-2016 chủ yếu do tăng/ giảm ở một số nhóm hàng sau: điện thoại và linh kiện tăng 23,9%, tương ứng tăng 286 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,5%, tương ứng 83 triệu USD; sắt thép các loại tăng mạnh 80%, tương ứng tăng 51 triệu USD; hàng thủy sản tăng 17,1%, tương ứng tăng 48 triệu USD; xơ, sợi dệt các loại tăng 30%, tương ứng tăng 33 triệu USD; máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng khác tăng 5,5%, tương ứng tăng 24 triệu USD; hạt điều tăng 15,9%, tương ứng tăng 20 triệu USD; cao su tăng 13,1%, tương ứng tăng 10 triệu USD; ... Ở chiều ngược lại, hàng dệt may giảm 3,7%, tương ứng giảm 43 triệu USD; dầu thô giảm 32% tương ứng giảm 34 triệu USD; hàng rau quả giảm 25,3%, tương ứng giảm 29 triệu USD; giầy dép các loại giảm 4,8%, tương ứng giảm 29 triệu USD; ...

Như vậy, tính đến hết tháng 7-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 96,99 tỷ USD, tăng 5,4% tương ứng tăng hơn 5  tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2015.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 7-2016 đạt gần 5,39 tỷ USD, tăng 9,4%  tương ứng tăng 464 triệu USD so với kỳ 1 tháng 7-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2016 của nhóm các doanh nghiệp này lên  gần 67,6 tỷ USD, tăng 8,6%  tương ứng tăng hơn 5,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm 69,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7-2016 đạt hơn 7,06 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 239 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 7-2016.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 7-2016 so với kỳ 1 tháng 7-2016 chủ yếu tăng ở một số nhóm hàng sau:  điện thoại các loại và linh kiện tăng 24,6%, tương ứng tăng 90 triệu USD; sắt thép các loại tăng 11,8%, tương ứng tăng 39 triệu USD; đậu tương tăng mạnh đến 3,2 lần so với kỳ trước, tương ứng tăng 33 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 17,1%, tương ứng tăng 28 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,3%, tương ứng tăng 28 triệu USD; ... Các nhóm hàng giảm so với kỳ trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 8,9%, tương ứng giảm 104 triệu USD; vải các loại giảm 10,8%, tương ứng giảm 51 triệu USD; hóa chất giảm 25,2%, tương ứng giảm 40 triệu USD; ....

Như vậy, tính đến hết tháng 7-2016, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 94,74 tỷ USD, giảm 1,2% (tương ứng giảm 1,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 7 đạt gần 4,19 tỷ USD, giảm 2,5%  tương ứng giảm 109 triệu USD  so với kỳ 1 tháng 7-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đến hết tháng 7-2016 đạt gần 55,54 tỷ USD, giảm 2,1% tương ứng giảm hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 58,6% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.

Nguồn: baohaiquan.vn