Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển việc chăm sóc sức khỏe vẫn còn ít nhiều liên quan đến Y học cổ truyển hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khỏe. Xu thế hiện nay trên thế giới người ta đã sử dụng nhiều các loại thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thảo dược vì nó thực sự có hiệu quả trong điều trị bệnh và ít tác dụng phụ.
Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nhưng có một thực tế đặt ra là tuy nước ta được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Số loài cây thuốc theo dự đoán có thể lên đến trên 6.000 loài. Nhưng nguồn dược liệu này đang ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức mà thiếu sự bảo tồn. Trong khi đó, nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng phát triển nên dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động.Chính vì thế mà nguồn dược liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10-20% nhu cầu.
Thống kê cho thấy có tới 80% các loại nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu. Số liệu sơ bộ từ TCHQ, hàng năm Việt Nam chi tới 2 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm, như năm 2016 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên tới 2,5 tỷ USD và sang năm 2017, cụ thể là tháng 3/2017 Việt Nam đã chi 35,8 triệu USD, tăng 24,4% so với tháng 2 – đây là tháng tăng đầu tiên sau hai tháng giảm liên tiếp - nâng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm quý I/2017 lên 93,6 triệu USD, tăng 15,04% so với quý I/2016.
Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, chiếm gần 59% tổng kim ngạch, đạt 55 triệu USD, tăng 9,54% so với cùng kỳ, đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ, tăng 58,29% đạt 18,9 triệu USD.
Đáng chú ý, nhập khẩu từ thị trường Tây Ban Nha tuy kim ngạch chỉ đạt 3,4 triệu USD, nhưng tăng mạnh vượt trội, tăng 234,30% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, quý đầu năm nay, nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ các thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chiếm phần lớn, tới 60% và ngược lại thị trường suy giảm kim ngạch chiếm 40% và nhập từ Thái Lan giảm mạnh nhất, giảm 93,37%.
Về thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm trong quý I/2017 có thêm thị trường Đức và Áo với kim ngạch đạt lần lượt 2,7 triệu USD và 596,3 nghìn USD.
Dưới nhu cầu thị trường và đặc thù sản phẩm, nguyên phụ liệu dược phẩm nhập khẩu cần có đầy đủ các giấy chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ (C/O) và chất lượng (C/Q), để góp phần đẩy lùi tình trạng dược liệu kém chất lượng đang trà trộn làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất dược liệu.

 

 

Nguồn: Vinanet