Theo lý giải của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại hàng loạt các thị trường trọng điểm của nước ta như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, tại thị trường Malaysia, đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150.000 tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng là 250.000 tấn; tại thị trường Philippines, 4 thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo.

Các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Australia, Iran... cũng có sự tăng trưởng cao. Đơn cử, với Iran, trước đây chúng ta chưa xuất khẩu vào được thị trường này. Nhưng, trong tháng 8/2017, một đối tác của Iran qua làm việc trực tiếp với một doanh nghiệp gạo Cần Thơ và thoả thuận một hợp đồng xuất sang Iran với nhu cầu từ nay đến cuối năm khoảng 100.000 tấn.

Không những thuận lợi về thị trường, giá gạo xuất khẩu cũng ở mức rất khả quan. Thời điểm ngày 1/6/2017, giá gạo 5% tấm là 370-380 USD/tấn và gạo 25% tấm là 340-350 USD/tấn. Có thời điểm trong tháng 7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt mức 405-415 USD/tấn và gạo 25% là 380-390 USD/tấn. Thời điểm 25/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu là 380-390 USD/tấn và và gạo 25% tấm là 360-370 USD/tấn (vẫn cao hơn thời điểm đầu tháng 6 từ 10-20 USD/tấn). Giá gạo trong tháng 9 giữ tương đương với giá gạo tháng 8.

Giá gạo xuất khẩu tăng trong các tháng gần đây và duy trì ở mức cao đã góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân sản xuất lúa. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.500 - 5.700 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 300 - 500 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.000 - 7.100 đồng/kg tùy từng địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm khoảng 8.300 - 8.400 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.100 - 8.200 đồng/kg.

Cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.

Theo VFA, từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Singapore vẫn còn rất lớn. Với diễn biến tình hình thị trường, VFA dự báo trong năm 2017, xuất khẩu gạo cả nước (chính ngạch) sẽ đạt khoảng 5,6 triệu tấn. Trong đó, tổng khối lượng dự kiến xuất khẩu trong quí cuối năm 2017 đạt khoảng trên 1,8 triệu tấn.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn