Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) 10 tháng đầu năm 2017 đạt trên 4,36 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng chủ đạo xuất khẩu sang U.A.E, chiếm tới 78,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các loại, với kim ngạch 3,43 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tiếp sau đó là các nhóm hàng: máy vi tính điện tử 244,93 triệu USD, tăng 0,1%; giày dép 103,45 triệu USD, tăng 9,9%; dệt may 73,08 triệu USD, giảm 17,6%.

Trong 10 tháng đầu năm nay, nhóm hàng chè xuất khẩu sang thị trường UAE nổi bật nhất với mức tăng trưởng trên 151% so với cùng kỳ, đạt 8,92 triệu USD. Bên cạnh đó là một số nhóm hàng cũng đạt mức tăng trưởng cao như: Gỗ và sản phẩm gỗ (+40,5%), rau quả (+57%), phương tiện vận tải và phụ tùng (+157%).  Ngược lại, xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm sang thị trường này sụt giảm mạnh nhất 83,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu sắt thép cũng giảm tới 54,8%; túi xách, ví,vali, mũ và ô dù giảm trên 30%; hạt tiêu giảm 32,4%.

Các chuyên gia cho biết, UAE là thị trường mở, tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, thuế nhập khẩu thấp (từ 0% - 5%) đối với hầu hết các loại hàng hóa; sức mua lớn. Số lượng người nhập cư và khách du lịch lớn nên nhu cầu sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng. Nền kinh tế UAE đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các ngành du lịch, xây dựng, tài chính, bất động sản, dầu khí, điện, hàng không...

UAE từ lâu cũng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, UAE cũng đang định hướng mở rộng họat động và phát triển thị trường sang khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam.

Về đầu tư, tính đến nay UAE có 12 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 142 triệu USD tập trung trong các ngành khai khoáng, bất động sản, du lịch... Việt Nam khuyến khích các quỹ đầu tư, công ty UAE đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khách sạn, du lịch, cơ sở hạ tầng, cảng biển, hàng không, bất động sản, sản xuất nông sản tại Việt Nam.

Đến nay hàng Việt Nam đã tạo dựng được chỗ đứng tại thị trường UAE với các mặt hàng điện thoại, thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, sản phẩm gia dụng… Sức cạnh tranh của hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia. Bên cạnh đó, Việt Nam nhập từ UAE những sản phẩm chính như thức ăn gia súc và nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, đá quý, kim loại quý và các kim loại thường…

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các DN cần tăng cường các hoạt động khảo sát thị trường, thông qua việc tham gia hội chợ, hội thảo tại nước bạn; ứng dụng và khai thác thương mại điện tử, một phương thức buôn bán mới đang rất phát triển. DN cần phải chú ý đến việc bảo quản hàng hóa, đảm bảo chất lượng; quan tâm đến việc thiết lập chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu hàng hóa bao gồm các đơn vị như: nông dân, thương lái, doanh nghiệp thương mại tại Việt Nam, các đơn vị logistics, nhà phân phối sản phẩm…  làm sao đảm bảo được nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các DN Việt Nam khi tiếp cận thị trường UAE cần sử dụng một đại lý hoặc nhà phân phối (ký hợp đồng); Mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh; Thành lập công ty với một đối tác là công dân UAE; Nhượng quyền thương mại đối với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, hàng thời trang; Sử dụng ngôn ngữ Ả Rập khi đóng gói bao bì sản phẩm và quảng cáo.

Dubai – thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là 1 trong 3 thị trường trung chuyển lớn nhất thế giới. Mặc dù dân số chỉ 1,5 triệu người nhưng người tiêu dùng Dubai là những khách hàng giàu có, thu nhập đầu người trên 20.000 USD/năm, khoảng hơn 400 triệu đồng, chủ yếu nhờ vào dầu mỏ, vì thế sức mua ở thị trường này rất lớn.

Hàng hóa xuất vào Dubai không hạn định về số lượng và chủng loại mặt hàng (trừ những mặt hàng cấm nhập khẩu như thịt lợn, mỡ lợn) bởi ngoài tiêu dùng trong nước, Dubai còn là nơi trung chuyển, tái xuất các mặt hàng sang thị trường châu Phi rộng lớn và toàn bộ khu vực Trung Đông giàu có. Bên cạnh đó, Dubai áp dụng chính sách thuế quan thấp, thuế nhập khẩu dưới 5%, một số mặt hàng còn được miễn thuế.

Tuy nhiên, để bám trụ tại thị trường này các DN phải hiểu văn hóa và phong tục nơi đây. Để đẩy mạnh xuất khẩu các DN cũng cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa; triển khai khu trưng bày hàng thực phẩm, nông sản, trái cây của Việt Nam vào các hệ thống siêu thị tại UAE như Al Maya, Union Corps, Choithram…

Xuất khẩu sang UAE 10 tháng đầu năm 2017 ĐVT :USD

Mặt hàng

T10/2017

(%)T10/2017 so với T9/2017

10T/2017

(%)10T/2017 so với cùng kỳ

Tổng kim ngạch NK

474.839.074

-9,16

4.363.850.796

0,54

Điện thoại các loại và linh kiện

392.863.074

-9,34

3.430.752.359

1,23

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

19.876.233

-21,85

244.929.948

0,13

Giày dép các loại

7.827.449

-20,19

103.448.762

9,94

Hàng dệt, may

6.619.856

-13,22

73.079.211

-17,57

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác

5.835.636

17,34

65.477.607

8,8

Hạt tiêu

1.071.191

-74,15

58.986.311

-32,37

Hàng thủy sản

3.209.999

0,68

37.983.875

-11,56

Phương tiện vận tải và phụ tùng

6.020.639

2,97

32.240.178

157,23

Hàng rau quả

3.357.704

51,48

28.854.850

56,94

Hạt điều

3.955.179

31,23

25.228.180

14,39

Gỗ và sản phẩm gỗ

3.468.846

44,33

23.267.161

40,54

Túi xách, ví,vali, mũ và ô dù

1.535.319

-37,95

21.717.687

-30,42

Gạo

1.485.115

24,95

17.834.600

15,79

Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc

933.949

-32,57

12.510.361

-2,22

Sản phẩm từ chất dẻo

876.522

-16,75

10.023.618

-15,46

Chè

1.115.063

-5,76

8.917.383

151,46

Sắt thép các loại

615.711

10,54

7.922.811

-54,75

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

243.122

71,6

6.231.569

-83,53

Sản phẩm từ sắt thép

606.944

20,37

4.558.942

12,49

Giấy và các sản phẩm từ giấy

237.328

-47,01

3.298.060

12,53

 

Nguồn: Vinanet