Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2017 cả nước xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo, thu về 2,29 tỷ USD, tăng trên 23% cả về lượng và kim ngạch so với 10 tháng đầu năm 2016; trong đó riêng tháng 10 lượng gạo xuất khẩu đạt 483.107 tấn, tương đương 245,89 triệu USD, giảm 6,3% về lượng nhưng tăng 4% về trị giá so với tháng 9/2017.

Giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng 10 năm 2017 tăng trên 11% so với tháng 9/2017 đạt 509 USD/tấn, nhưng giá xuất khẩu trung bình của cả 10 tháng đầu năm chỉ đạt 448,6 USD/tấn, giảm 0,3% so với 10 tháng đầu năm ngoái.

Thị trường Trung Quốc chiếm gần 40% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, với 2,03 triệu tấn, tương đương 909,04 triệu USD, tăng mạnh 35% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.

Philippines – thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 của gạo Việt Nam, chiếm 10% trong tổng lượng gaọ xuất khẩu của cả nước, đạt 496.224 tấn, tương đương 197,18 triệu USD, tăng 41% về lượng và tăng 32% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.  

Malaysia chiếm 9% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 454.492 tấn, tương đương 177,82 triệu USD (tăng mạnh 97% về lượng và tăng 77% về kim ngạch so với cùng kỳ).

Gana chiếm 8% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 334.736 tấn, tương đương 178,85 triệu USD (giảm 24% về lượng và giảm 18% về kim ngạch so với cùng kỳ).

Xuất khẩu gạo sang các nước Đông Nam Á nói chung chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 1,07 triệu tấn, tương đương 430,18 triệu USD.

Năm nay thị trường Senegal và I rắc tăng rất mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo sang I rắc tăng mạnh gấp 91 lần về lượng và tăng gấp gần 108 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 98.023 tấn, tương đương 51,45 triệu USD; xuất sang Senegal tăng gấp 178 lần về lượng và tăng gấp gần 90 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24.963 tấn, tương đương 8,18 triệu USD. 

Nhiều tín hiệu khả quan

Khác với tình hình ảm đạm năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu gạo bắt đầu tăng trưởng trở lại. Số hợp đồng xuất khẩu gạo tăng đáng kể. Phần lớn các hợp đồng này đăng ký xuất khẩu gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Đại Dương…

Theo VFA, xuất khẩu gạo tăng cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016 là do sự tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, tại thị trường Malaysia, các doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150 nghìn tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 250 nghìn tấn; tại Philippines, bốn thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175 nghìn tấn gạo… Các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Australia và một số thị trường thuộc Tây Á cũng có sự tăng trưởng mạnh.

Dự báo, thời gian tới, mặt hàng gạo sẽ còn gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi mới đây, Bộ Lương thực Bangladesh thông báo mời thầu mua 50 nghìn tấn gạo đồ Non-Basmati. Nếu trúng gói thầu sẽ giúp thị trường gạo tiếp tục được cải thiện tốt hơn. Tháng 5 vừa qua, Chính phủ hai nước cũng đã gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo và sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (từ năm 2017-2022). Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến một triệu tấn. Sau lễ ký, phía Bangladesh đã thông báo mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250 nghìn-300 nghìn tấn gạo trắng 5% tấm và mua tổng số lượng khoảng 500 nghìn tấn gạo của Việt Nam từ tháng 5 đến hết năm 2017.

Ngoài Bangladesh, Philippines cũng mở hạn ngạch nhập khẩu gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) 2017-2018. Theo đó, lượng gạo sẽ nhập từ Việt Nam theo cơ chế MAV là 293.100 tấn (tương đương với Thái Lan).

Trung Quốc cũng được dự kiến là sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong những tháng cuối năm với các loại gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm, tấm… để phục vụ cho nhu cầu những tháng cuối năm.

Với tình hình thị trường và lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo tăng kỷ lục trong những tháng qua và sự chuyển biến mạnh của thị trường, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì mục tiêu 5,2 triệu tấn trước đó. Đến nay, ngành lúa gạo đã đạt được 91% kế hoạch.

Xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2017

Thị trường XK

10T/2017

% so sánh 10T/2017 với cùng kỳ

Tấn

USD

Lượng

Trị giá

Tổng cộng

5.097.166

2.286.504.643

+23,52

+23,21

Trung Quốc

2.031.943

909.039.511

+34,98

+33,94

Philippines

496.224

197.177.831

+41,26

+31,84

Ghana

334.736

178.850.209

-23,85

-17,6

Malaysia

454.492

177.819.737

+97,34

+76,84

Bangladesh

235.113

99.108.707

 

 

Bờ Biển Ngà

203.088

90.224.237

+39,73

+29,21

Iraq

98.023

51.446.485

+9,069,60

+10,788,61

Singapore

87.148

43.352.439

+25,64

+23,3

Hồng Kông

46.886

24.321.438

-45,21

-42,95

Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất

34.334

17.834.600

+15,54

+15,79

Algeria

34.461

13.457.969

+111,16

+111,02

Đài Loan

28.223

12.479.029

-4,63

-12

Hoa Kỳ

19.888

10.797.012

-31,81

-32,48

Nga

21.425

8.313.382

+9,6

+8,44

Senegal

24.963

8.180.576

+17,730,71

+8,888,16

Brunei

15.648

6.331.265

-34,03

-39,49

Angola

15.106

5.798.929

-58,43

-60

Indonesia

15.650

5.501.813

-95,16

-95,71

Australia

8.867

5.039.658

+2,54

+0,29

Nam Phi

5.914

2.719.612

-70,35

-66,03

Ukraine

5.429

2.322.974

+41,75

+50,37

Chile

4.390

1.744.055

-15,19

-16,05

Hà Lan

3.441

1.566.783

-40,21

-41,43

Bỉ

2.907

1.219.757

-38,92

-44,12

Thổ Nhĩ Kỳ

1.255

676.651

-60,52

-51,95

Tây Ban Nha

814

363.773

-32,34

-28,76

Ba Lan

654

333.167

-76,63

-75,26

Pháp

212

197.463

-16,54

+7,11

* Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020

Tạo điều kiện hỗ trợ cho xuất khẩu gạo, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, sẽ điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo. Trong giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4,5-5 triệu tấn vào năm 2020, trị giá đạt bình quân khoảng từ 2,2-2,3 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030, trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định và tăng đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, sẽ chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam; điều chỉnh cơ cấu thị trường phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.

Về định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, sẽ tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định. Tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.

Về định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm gạo xuất khẩu, tăng tỷ trọng gạo trắng, hạt dài chất lượng cao (5-10% tấm), giảm tỷ trọng gạo trên 15% tấm, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo; Quy hoạch và tập trung đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa phục vụ các thị trường và phân khúc thị trường cụ thể; Tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói; đảm bảo sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nước ngoài và hàng rào kỹ thuật của các thị trường…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp, bao gồm: tổ chức sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế và đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo; có chính sách khuyến khích thương nhân xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, kết nối chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm; nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo…; Cục Xuất nhập khẩu chủ trì theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới và trong nước để kịp thời đề xuất giải pháp ứng phó với biến động của thị trường được giao; Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại có trách nhiệm thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lúa gạo, tổ chức cập nhật thông tin và duy trì vận hành, cập nhật thông tin thị trường lúa gạo phục vụ công tác điều hành và phát triển thị trường xuất khẩu.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ chủ trì phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên xây dựng Kế hoạch và giải pháp phát triển từng thị trường xuất khẩu gạo, tập trung vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng…

Đối với việc hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Dự thảo Nghị định có nhiều thay đổi căn bản về quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân. Đây được đánh giá là bước đột phá về cải cách hành chính của Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Khi được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian tới.

 

Nguồn: Vinanet