Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế CBPG khiến XK tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2017, XK tôm đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2016. Sang tháng 2/2017, XK tôm lại tăng 18,7% và giảm 0,2% trong tháng 3/2017. Do vậy, giá trị XK trong 3 tháng đầu năm nay giảm nhẹ 0,1% đạt 618,3 triệu USD.
Sản phẩm XK
Trong QI/2017, XK tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 63,3% tổng XK tôm Việt Nam; tôm sú đứng thứ hai với 27,3% và tôm biển với 9,4%.
Tỷ trọng XK tôm chân trắng tăng từ 57% trong QI/2016 lên 63,3% trong QI/2017. Tuy nhiên, tỷ trọng XK tôm sú giảm từ 35% năm xuống còn 27,3%; tỷ trọng tôm biển tăng nhẹ.
QI/2017, trong tổng XK tôm của Việt Nam, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) là sản phẩm XK chiếm giá trị cao nhất với 208,4 triệu USD.
Trong giai đoạn này, giá trị XK các sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam tăng 10,6% so với QI/2016 đạt 391,7 triệu USD trong khi XK các sản phẩm tôm sú giảm 21% đạt 168,7 triệu USD. XK tôm sú giảm có thể do vấn đề nguồn cung. XK tôm biển tăng 12,3% đạt 57,9 triệu USD.
Trong các sản phẩm tôm XK, XK tôm khác chế biến đóng hộp (HS 16) tăng tốt nhất 91,3% tuy nhiên giá trị XK khiêm tốn chỉ 1,1 triệu USD. Ngược lại, tôm sú chế biến (HS 16) giảm mạnh nhất 34,8% với gần 22 triệu USD.
Thị trường
Trong QI/2017, Việt Nam XK tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016.
Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.
Vị trí của top 10 thị trường NK tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada đứng ở vị trí thứ 7.
Top 5 thị trường chính gồm Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 21,9%), EU (chiếm 19,2%), Mỹ (18,1%), Trung Quốc (15,1%), Hàn Quốc (10%). Trong top 5 này, XK sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong đó XK sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 30,8%; XK sang Mỹ, Trung Quốc giảm trong đó Mỹ giảm mạnh nhất 26,3%.
Trong quý 1 năm nay, Nhật Bản là thị trường nổi bật nhất vì đã giành được vị trí số 1 từ Mỹ nhờ mức tăng trưởng tốt 29,6% trong NK tôm từ Việt Nam. EU vẫn ổn định ở vị trí thứ 2 tăng 6,4%. XK sang Trung Quốc sau khi tăng trưởng tốt trong năm 2016, trong quý đầu năm 2017 đảo chiều đi xuống. XK sang Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhất nhờ những ưu đãi từ FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
XK tôm sang Mỹ sau khi tăng trong 3 quý đầu năm, đảo chiều đi xuống trong quý IV/2016. Bước sang quý I/2017, XK tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng giảm. XK trong cả 3 tháng của quý I đều giảm từ 22-28% so với các tháng cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm nay đạt gần 112 triệu USD; giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2016. Do tăng trưởng âm nên Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong quý đầu năm nay.
XK tôm sang Nhật Bản bắt đầu phục hồi từ tháng 8/2016 và tăng trưởng liên tục đến tháng 3 năm nay. Nếu như cả năm 2016, XK tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 2,7% thì 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đạt 29,6% với giá trị XK 135,4 triệu USD.
XK tôm sang Nhật Bản tăng trưởng ở mức 2 con số trong cả 3 tháng của quý đầu năm nay. Nhờ vậy, Nhật Bản từ vị trí thứ 3 đã vươn lên thành thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam.
Biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. XK tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.
Nguồn: vasep.com.vn