Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, 8 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã thu về 5,66 tỷ USD (tăng 14,9%), đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước 158,4 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Tính riêng tháng 8/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 797,3 triệu USD, tăng 9,2% so với tháng 7/2018. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 1,46 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng năm 2018, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Như vậy, 8 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã xuất siêu 4,1 tỷ USD mặt hàng này, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bình quân mỗi tháng Việt Nam thu về 524,67 triệu USD từ xuất siêu gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu được xuất sang Mỹ chiếm 42,2% tỷ trọng, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,29% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 8/2018 đạt 360 triệu USD, tăng 8,27% so với tháng 7/2018 và tăng 21,27% so với tháng 8/2017.
Với khoảng cách vị trí địa lý gần với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn đứng thứ hai sau Mỹ nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ Việt Nam, chiếm 12,9% tỷ trọng đạt 732,1 triệu USD tăng 3,71% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 8/2018 đạt 100,8 triệu USD, tăng 26,64% so với tháng trước đó và tăng 26,82% so với tháng 8/2017.
Kế đến là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia…đối với các nước EU và Đông Nam Á, thì kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng, trong đó Đông Nam Á có mức tăng nhiều nhất 81,44% tuy chỉ chiếm 2,09% tỷ trọng đạt 118,4 triệu USD; xuất sang các nước EU đạt 493,1 triệu USD, chiếm 8,7% tỷ trọng tăng 3,23%.
Nhìn chung, 8 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các thị trường đều có kim ngạch tăng trưởng, chiếm 63,1%. Đặc biệt, thời gian này xuất khẩu sang thị trường Séc, Thụy Sỹ, Malaysia tăng vượt trội đều tăng gấp hơn lần mỗi thị trường, trong đó tăng nhiều hơn cả là thị trường Séc gấp 2,39 lần (tức tăng 139,69%), tuy chỉ đạt 1,2 triệu USD, mặc dù là tháng 8/2018 kim ngạch xuất sang thị trường này giảm 68,13% so với tháng trước đó nhưng tăng 13,9% so với tháng 8/2017.
Ngược lại, xuất sang thị trường Hongkong (TQ) và Cô Oét giảm mạnh, giảm lần lượt 51,26% và 32,65% tương ứng với 5,6 triệu USD; 4,3 triệu USD.
10 thị trường chủ lực xuất khẩu gỗ và sản phẩm 8T/2018

Thị trường

T8/2018 (USD)

+/+ so với T7/2018 (%)*

8T/2018 (USD)

+/- so với cùng kỳ 2017 (%)*

Mỹ

360.048.446

8,27

2.394.024.544

15,29

Trung Quốc

100.824.287

26,64

732.109.277

3,71

Nhật Bản

108.346.282

14,66

730.056.286

8,79

Hàn Quốc

84.728.119

-3,4

632.313.400

52,77

Anh

23.802.098

8,63

188.603.384

-0,03

Australia

20.278.967

21

121.353.439

15,97

Canada

13.416.957

6,64

103.640.687

1,84

Pháp

8.471.194

-4,07

81.272.155

24,27

Malaysia

10.026.519

7,82

71.688.045

115,01

Đức

5.434.095

-2,9

64.059.064

-10,09

(*Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)
Đối với Australia, thị trường đứng thứ 7 về kim ngạch trong số những thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ Việt Nam, chiếm 2,1% tỷ trọng, đạt 121,3 triệu USD, tăng 15,97% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 8/2018, kim ngạch xuất sang thị trường này đạt 20,2 triệu SUSD, tăng 21,% so với tháng 7/2018 và tăng 23,82% so với tháng 8/2017.
Theo thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thông báo từ Bộ Nông nghiệp Austrlaia kể từ ngày 11/9/2018, khi nhập khẩu vào Australia, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, bao gồm cả bao bì và các vật liệu dùng để chèn lót làm bằng gỗ, sẽ phải đảm bảo một số yêu cầu mới về quy trình xử lý hợp chất sulphuryl fluoride. Trước khi nhập khẩu vào Australia, các nhà nhập khẩu lựa chọn hình thức xử lý khử trùng lô hàng bằng hợp chất sulphuryl fluoride phải đảm bảo một số điều kiện về nhiệt độ, thời gian và nông độ tối thiểu.
Theo đó, hàng hóa hoặc phải được để nhiệt độ từ 20 độ C trở lên trong tối thiểu 48 giờ đồng hồ với nồng độ tối thiểu là 29g/m3 (đạt mức CT tối thiểu là 3.000g-h/m3), hoặc phải được để ở nhiệt độ hàng hóa từ 30 độ C trở lên trong tối thiểu 24 giờ đồng hồ với nồng độ tối thiểu là 41g/m3 (đạt mức CT tối thiểu là 1.400g-h/m3).
Đối với hàng hóa được xử lý tại các quốc gia trừ Italy, Bộ Nông nghiệp Australia sẽ chấp nhận các bằng chứng về việc xử lý được thể hiện trên giấy chứng nhận được phát hành bởi tất cả nhà cung cấp dịch vụ xử lý thương mại, hoặc trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Bộ Nông nghiệp Australia sẽ tiếp tục chấp nhận việc xử lý khử trùng bằng hợp chất sulphuryl fluoride đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ hiện được quy định theo BICON (Bộ quy tắc nhập khẩu an toàn sinh học của Australia). Ngoài ra, khung thời gian đối với việc xử lý trước khi xuất khẩu sẽ không thay đổi.
Với quy định này của Bộ Nông nghiệp Australia, thì thời gian tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam sang thị trường này gặp không ít khó khăn.

Nguồn: Vinanet