Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê cho thấy gạo là mặt hàng nông sản duy nhất ghi nhận tăng trưởng 10,9%, đạt 1,9 tỷ USD. Trong khi đó, những mặt hàng nông sản còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như rau quả, cà phê, hạt điều, cao su, đặc biệt, cao su giảm 20,3%, đạt 405 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm ước đạt 145,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực trong nước tiếp tục là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu, đạt gần 50,8 tỷ USD, tăng 13,5%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt hơn 95 tỷ USD, giảm 5,7%.
Hoa Kỳ duy trì vị trí nhà nhập khẩu hàng hóa số 1 của Việt Nam, ước đạt gần 38 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai là Trung Quốc đạt gần 24 tỷ USD, tăng 18,4 %. Trong khi đó, xuất khẩu EU giảm 5,9%, đạt 19,5 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam giảm nhập khẩu các mặt hàng như vải, sắt và thép, chất dẻo, đặc biệt ôtô giảm mạnh nhất (32,6%) và đạt 2,9 tỷ USD. Trong khi đó, việc nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện trong 7 tháng tăng mạnh, 14%, đạt 32,6 tỷ USD.
Nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống đều ghi nhận việc nhập khẩu tăng trưởng âm, như Hàn Quốc, ASEAN và cả Trung Quốc. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU vẫn duy trì đà tăng, lần lượt 2,5% và 6%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 140 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu tăng 1,5% đạt gần 62 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,2%, đạt hơn 77 tỷ USD.
Chỉ tính riêng tháng 7, Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD và 7 tháng đầu năm con số này là 6,5 tỷ USD.

Nguồn: Ngọc Hà / Người đồng hành