Sang năm 2019, cũng theo số liệu thống kê sơ bộ từ cơ quan này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 3/2019 tăng 22,95% so với tháng 2/2019 đạt 108,37 triệu USD, nâng kim ngạch quý 1/2019 lên 324,27 triệu USD, nhưng giảm 29,41% so với cùng kỳ 2018.
Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính sản phẩm điện tử, xơ sợi dệt… trong đó đứng vị trí số 1 về kim ngạch là hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 167,87 triệu USD, giảm 29,69% so với cùng kỳ; đứng thứ hai là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 35,27% tương ứng với 50,6 triệu USD, kế tiếp là xơ sợi dệt các loại giảm 24,82% chỉ đạt 34,4 triệu USD…
Qua số liệu từ TCHQ cho thấy, TOP 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian này đều sụt giảm kim ngạch. Trước đó, trong năm 2018, 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là điện thoại, sản phẩm điện tử và xơ sợi cũng đều sụt giảm, trong đó mặt hàng máy tính-thiết bị điện tử và linh kiện sụt giảm chỉ còn phân nửa so với kim ngạch năm 2017.
Nhìn chung, quý đầu năm 2019 kim ngạch hàng hóa xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó giảm nhiều nhất là mặt hàng gạo, giảm 86,85% về lượng và 88,37% trị giá so với cùng kỳ, tương ứng với 375 tấn, 189,9 nghìn USD, giá xuất bình quân 506,46 USD/tấn, giảm 11,51%. Kế đến là gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 82,61% chỉ với 875,3 nghìn USD, tiếp theo là chất dẻo nguyên liệu giảm 66,67% về lượng và 61,8% trị giá tương ứng với 48 tấn, 88,5 nghìn USD.
Trước đó, kết thúc năm 2018 kim ngạch sụt giảm đã diễn ra và xu hướng này tiếp diễn cho đến hết quý 1/2019. Theo Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lê Phú Cường có 7 nguyên nhân chính khiến kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 suy giảm. Đó là:
Thứ nhất, phải thừa nhận tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều biến động bất lợi tác động trực tiếp làm suy giảm nhu cầu nhập khẩu nói chung và làm giảm xuất khẩu từ Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân sâu sa và tác động lớn nhất làm sụt giảm nhập khẩu. Kinh tế tăng trưởng chậm, đồng nội tệ mất giá, lãi suất tăng cao, niềm tin của người tiêu dùng sở tại suy giảm là những nguyên nhân trực tiếp mà khó có thể khắc phục ngay, các nỗ lực xúc tiến thương mại tại địa bàn sở tại cũng khó phát huy tác dụng.
Thứ hai, hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chiếm tỷ trọng lớn nhất đều là hàng tiêu dùng giá trị cao như điện thoại, máy tính, quần áo và giầy dép có thương hiệu của các hãng lớn trên thế giới nên nhu cầu nhập khẩu dễ bị tác động bởi tình hình phát triển kinh tế tại nước sở tại. Hơn nữa, những mặt hàng này do các doanh nghiệp đa quốc gia kinh doanh theo chiến lược và kênh phân phối riêng nên các cơ quan xúc tiến xuất khẩu khó có thể tác động hay hỗ trợ, ngoại trừ trong các vụ việc phòng vệ thương mại đã từng xẩy ra trước đây.
Thứ ba, các mặt hàng nguyên liệu sản xuất cũng không tránh nổi sụt giảm trong năm 2018 do các doanh nghiệp sản xuất tại nước sở tại gặp khó khăn vì lãi sất bị đẩy lên cao từ giữa năm và rất cao vào giai đoạn cuối năm do nỗ lực giữ giá trị đồng lira của chính quyền sở tại và không điều chỉnh đến hết năm 2018 (chỉ đến khi sang năm 2019 mới được hạ đôi chút). Cùng với những nguyên nhân gián tiếp như chi phí sản xuất tăng cao do lạm phát luôn ở mức cao trong nhiều năm, sức ép về tăng lương tối thiểu cho người lao động làm cho năm 2018 là một năm rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sở tại, khiến cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu sản xuất từ Việt Nam giảm.
Thứ tư, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang rất tích cực thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp với quy định của WTO để hạn chế nhập siêu và bảo hộ sản xuất trong nước như việc áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung (thực chất là tăng thuế nhập khẩu lên bằng mức cam kết trong WTO) đối với rất nhiều mặt hàng có nhập khẩu từ Việt Nam, điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại lên hàng nhập khẩu (Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá trong một số vụ việc và nhiều mặt hàng chỉ có một vài doanh nghiệp được xuất khẩu không phải đóng thuế chống bán phá giá). Nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu mới được áp dụng như gia tăng các thủ tục hành chính gây khó khăn cho nhà nhập khẩu (quy định cung cấp thông tin nhậy cảm về nhập khẩu da giầy).
Thứ năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 và không được hưởng thuế suất ưu đãi như trước đây. Việc này cũng làm gia tăng chi phí nhập khẩu hàng từ Việt Nam và làm giảm nhu cầu.
Thứ sáu, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp cả về chất lượng cũng như công tác tiếp thị, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao trên thị trường, trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp làm tốt hơn công tác tiếp thị, đã có quan hệ làm ăn lâu dài với nước sở tại.
Thứ bẩy, về phía các doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp chưa coi trọng địa bàn Thổ Nhĩ Kỳ, tâm lý còn e ngại tình hình an ninh và rất ít doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa bàn, trong khi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất hạn chế.
Thống kê hàng hóa xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ quý 1/2019

Mặt hàng

Quý 1/2019

+/- so với quý 1/2018 (%)*

Lượng (Tấn)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Tổng

 

324.277.861

 

-29,41

Điện thoại các loại và linh kiện

 

167.879.531

 

-29,69

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

 

50.624.718

 

-35,27

Xơ, sợi dệt các loại

15.746

34.438.363

-14,58

-24,82

Cao su

6.095

8.115.840

-0,75

-10,77

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác

 

7.030.565

 

-14,26

Giày dép các loại

 

6.009.375

 

-25,56

Hàng dệt, may

 

5.714.660

 

-44,4

Phương tiện vận tải và phụ tùng

 

3.511.032

 

-24,77

Hàng thủy sản

 

2.341.241

 

23,77

Sản phẩm từ chất dẻo

 

2.312.428

 

8,26

Hạt tiêu

823

1.877.726

34,04

-1,53

Sản phẩm từ cao su

 

1.135.837

 

-30,21

Sắt thép các loại

659

927.671

62,72

48,29

Gỗ và sản phẩm gỗ

 

875.336

 

-82,61

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày

 

804.436

 

-56,32

Gạo

375

189.921

-86,85

-88,37

Chè

44

99.147

-57,69

-58,45

Chất dẻo nguyên liệu

48

88.560

-66,67

-61,8

(*Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)

Nguồn: Vinanet