Tính chung 3 tháng đầu năm 2019 (quý 1/2019) đã nhập khẩu 983,8 nghìn tấn phân bón, trị giá 283,1 triệu USD, tăng 5,4% về lượng và 9,7% trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập bình quân 287,76 USD/tấn,tăng 3,34%
Trung Quốc dẫn đầu thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam trong quý đầu năm nay, chiếm 32,69% tổng lượng phân bón nhập khẩu, đạt 321,6 nghìn tấn, trị giá 80,22 triệu USD, tăng 4,07% về lượng và 2,1% trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập bình quân 249,4 USD/tấn, giảm 1,9%. Tính riêng tháng 3/2019, Việt Nam cũng đã nhập khẩu phân bón từ thị trường này 153,5 nghìn tấn, trị giá 35,96 triệu USD, tăng gấp 2,5 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá so với tháng 2/2019, nếu so với tháng 3/2018 thì tăng 5,21% về lượng nhưng giảm 3,78% về trị giá.
Thị trường nhập nhiều đứng thứ hai là Nga với 101,7 nghìn tấn, trị giá 34,2 triệu USD, tăng 79,1% về lượng và tăng 86,96% về trị giá so với cùng kỳ. Kế đến là các thị trường Belarus, Malaysia, Israel, Canada….
Nhìn chung, trong quý 1/2019 lượng phân bón nhập từ các thị trường so với cùng kỳ đều sụt giảm, số này chiếm tới 56%, trong đó giảm nhiều nhất là Hàn Quốc và Nauy đều giảm trên 56%, nhưng ngược lại Việt Nam lại tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan, Indonesia và Philippines, trong đó Thái Lan tăng mạnh nhất gấp 5,2 lần tuy chỉ đạt 19,4 nghìn tấn – đây cũng là thị trường có giá nhập bình quân giảm nhiều nhất trên 60%, tương ứng với 162,22 USD/tấn; Indonesia và Philippines đều tăng gấp 2,7 lần đạt tương ứng 45,9 nghìn tấn; 17,6 nghìn tấn.
Thị trường phân bón nhập khẩu quý 1/2019

(*Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)
Doanh nghiệp ngành sản xuất, kinh doanh phân bón cần biết
Về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón Bộ NN&PTNN đã đề xuất quy định mới về công nhận phân bón lưu hành. Theo đó, tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất quy định về cấp, cấp lại, gia hạn, hủy bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành và quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón.
Dự thảo đề xuất quy định thay thế Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón nhằm tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP) và việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết số 35/NQ-CP), tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập sâu rộng trong phát triển kinh tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về quy định cấp, cấp lại, gia hạn, hủy bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành và quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (được quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật Trồng trọt). Nội dung các quy định này nhìn chung kế thừa các quy định hiện hành trong Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, trong đó có bãi bỏ một số giấy tờ phải nộp như: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bản chính Quyết định công nhận,… ; quy định cụ thể hơn tên một số loại văn bản, giấy tờ phải nộp và rút ngắn một số công đoạn thực hiện. Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quy định cụ thể các mẫu đơn, tờ khai, mẫu quyết định để áp dụng trong quá trình thực hiện, các mẫu này cũng đã đảm bảo đơn giản hóa nhất cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đề xuất quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành (được quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Trồng trọt). Đây là một quy định mới so với pháp luật hiện hành, tuy nhiên đây chỉ là một thủ tục mà quy trình thực hiện là của cơ quan quản lý nhà nước, chứ các cá nhân, doanh nghiệp không phải tham gia quá trình thực hiện (không phải khai, nộp hồ sơ), cụ thể như sau:
“1. Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 Luật Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật tổng hợp thông tin, thành lập Hội đồng khoa học để xem xét. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản kết luận của Hội đồng khoa học về phân bón đã được công nhận lưu hành nhưng có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, Cục Bảo vệ thực vật ban hành quyết định hủy bỏ phân bón.
2. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật trồng trọt, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kết luận về việc sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đã được công nhận lưu hành, Cục Bảo vệ thực vật ban hành quyết định hủy bỏ phân bón.
3. Quyết định hủy bỏ phân bón phải quy định cụ thể các nội dung sau:
a) Tên phân bón (Mã số phân bón);
b) Tên tổ chức, cá nhân có phân bón;
c) Nguyên nhân phải hủy bỏ phân bón bao gồm cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học;
d) Hiệu lực của Quyết định
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ký Quyết định phải được công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của Cục Bảo vệ thực vật”.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón và các trường hợp sẽ bị thu hồi quyết định này (được quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Trồng trọt).
Các trường hợp sẽ bị thu hồi Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón như: Giả mạo, cấp khống số liệu báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón; tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định đã được cấp. Tổ chức bị thu hồi Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón chỉ được xem xét tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón sau 24 tháng kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Baochinhphu.vn 

Nguồn: vinanet