Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của cả nước sau khi tăng trưởng khá tốt trên 18% trong tháng đầu năm 2018, thì sang tháng 2 kim ngạch sụt giảm mạnh 30,4% so với tháng 1, chỉ đạt gần 267,16 triệu USD; Tuy nhiên, so với cùng tháng năm 2017 thì vẫn tăng mạnh 42,8%. Do đó, tính chung cả 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh 54,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 649,6 triệu USD.

Trung Quốc vẫn luôn duy trì là thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại rau quả của Việt Nam. Rau quả xuất sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm chiếm tới 77,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt 502,06 triệu USD, tăng mạnh 62% so với cùng kỳ.

Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường các nước Đông Nam Á chiếm 4,3%, đạt 28,18 triệu USD, tăng 20,2%; Mỹ chiếm 2,8%, đạt 18,48 triệu USD, tăng 23,9%; Nhật Bản chiếm 2,7%, đạt 17,47 triệu USD, tăng 38%; EU chiếm 2,3%, đạt 14,88 triệu USD, tăng 30,7% và Hàn Quốc chiếm 2%, đạt 13,17 triệu USD, tăng 4,7%.

Xét về mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, thì thấy hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch. Trong đó, kim ngạch tăng trưởng mạnh ở một số thị trường như: Cô Oét tăng 223,5%, đạt 0,44 triệu USD, Campuchia tăng 154,2%, đạt 0,27 triệu USD; Italia tăng 80,7%, đạt 0,5 triệu USD; Pháp tăng 56,4%, đạt 3,87 triệu USD.

Tuy nhiên, vẫn có một vài thị trường bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái  như: Indonesia sụt giảm 70%, đạt 0,09 triệu USD; Anh giảm 23%, đạt 0,76 triệu USD; Nga giảm 21,7%, đạt 4,64 triệu USD; Hồng Kông giảm 5,1%, đạt 2,71 triệu USD.

Rau quả Việt Nam hiện rất có triển vọng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, vì trên thế giới, nhu cầu rau hữu cơ tại các nước phát triển ngày càng tăng cao. Tốc độ tăng trưởng hàng năm với thị trường rau hữu cơ tại các nước châu Âu tăng từ 20 - 30% trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, thị phần rau hữu cơ tại Nhật Bản chiếm trên 80% thị trường rau. Nhật Bản luôn là thị trường có mức tăng trưởng cao, mà nhiều DN Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2017, Nhật đã mở cửa cho một số mặt hàng trái cây của Việt Nam gồm: chuối, xoài, thanh long sau thời gian đàm phán kéo dài. Mặt hàng gừng cũng được xuất khẩu nhiều vào Nhật với nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này ngày càng tăng.

Các loại trái cây của Việt Nam như thanh long, nhãn, chôm chôm, vải và vú sữa đã được phép xuất khẩu sang Mỹ, sắp tới, quả xoài cũng sẽ được hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu sang thị trường này. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong thời gian tới.

Xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2018

ĐVT: USD

Thị trường

T2/2018

(+/-%) T2/2018 so với T1/2018

2T/2018

(+/-%) 2T/2018 so với cùng kỳ

Tổng kim ngạch XK

267.157.217

-30,38

649.601.829

54,25

Trung Quốc

206.953.661

-30,14

502.057.431

62

Mỹ

7.167.673

-36,69

18.479.000

23,9

Nhật Bản

6.825.199

-35,89

17.471.283

37,96

Hàn Quốc

6.227.460

-10,27

13.167.933

4,72

Thái Lan

5.043.587

-32,27

12.489.679

34,56

Malaysia

3.801.043

-19,57

8.526.859

7,78

Hà Lan

3.506.170

-21,26

7.958.818

26,67

U.A.E

3.236.990

4,93

6.300.796

17,27

Singapore

2.340.483

-13,51

5.027.855

15,41

Nga

1.742.887

-39,75

4.635.722

-21,66

Đài Loan

913.591

-72,73

4.263.849

5,27

Australia

1.424.090

-50,12

4.230.469

45,53

Pháp

2.048.086

12,52

3.866.918

56,41

Canada

1.490.261

-26,21

3.509.747

48,35

Hồng Kông

851.685

-54,05

2.705.138

-5,1

Đức

955.015

13,35

1.797.536

31,21

Lào

780.974

-21,92

1.781.154

18,63

Anh

430.229

30,29

760.450

-22,96

Italia

308.422

60,98

500.009

80,74

Cô Oét

28.480

-93,13

443.291

223,45

Campuchia

137.603

3,96

266.335

154,18

Ucraina

104.707

114,44

153.536

1,03

Indonesia

63.500

170,21

87.000

-69,92

 (Vinanet tính toán từ số liệu của TCHQ)

 

Nguồn: Vinanet