Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường New Zealand đạt 246,9 triệu USD, tăng 24,73% so với cùng kỳ năm 2016.
Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand chủ yếu các nhóm hàng điện thoại và linh kiện; máy vi tính sản phâm điện tử, giày dép, nhóm hàng nông sản, quặng và khoáng sản… trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện là mặt hàng chủ lực, chiếm 39,8% tổng kim ngạch, đạt 98,4 triệu USD, tăng 23,59% so với cùng kỳ. Mặt hàng đứng thứ hai là máy vi tính sản phẩm điện tử, tăng 53,14% đạt 29,4 triệu USD, kế đến là giày dép tăng 12,7%, đạt 15,8 triệu USD…
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang thị trường New Zealand trong thời gian này đều có tốc độ tăng trưởng, số này chiếm 81,8% và ngược lại nhóm hàng với tốc độ xuất khẩu suy giảm chỉ chiếm 18,1%.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu sang New Zealand hàng máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng tuy kim ngạch chỉ đạt 10,6 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ lại có tốc độ tăng mạnh vượt trội, tăng gấp hơn 2,4 lần (tức tăng 147,73%). Ngoài ra, xuất khẩu mặt hàng cà phê cũng có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 122% đạt 2,1 triệu USD.
Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang thị trường New Zealand thời gian này so với cùng kỳ năm trước thiếu vắng mặt hàng quặng và khoáng sản.
Tình hình XK sang thị trường New Zealand 7 tháng 2017 (ĐVT: USD)

Mặt hàng

7 tháng 2017

7 tháng 2016

So sánh (%)

Tổng

246.904.793

197.956.488

24,73

điện thoại các loại và linh kiện

98.437.077

79.646.452

23,59

máy vi tính, sph điện tử và linh kiện

29.479.943

19.250.353

53,14

giày dép các loại

15.856.389

14.070.107

12,70

hạt điều

14.224.337

10.801.617

31,69

gỗ và sản phẩm gỗ

13.548.756

14.299.327

-5,25

máy móc, tbi, dụng cụ phụ tùng khác

10.626.856

4.289.611

147,73

hàng dệt, may

10.519.926

8.221.044

27,96

hàng thủy sản

9.438.745

9.855.170

-4,23

sản phẩm từ chất dẻo

5.702.285

4.399.048

29,63

sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ

2.486.232

1.830.259

35,84

cà phê

2.149.868

968.400

122,00

Quặng và khoáng sản khác

 

1.104.113

-100,00

(tính toán theo số liệu của TCHQ)

Nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và New Zealand, ngày 27/7 vừa qua Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một loạt hoạt động tại New Zealand khi tới chào xã giao Chủ tịch Quốc hội David Carter, hội đàm với Phó Thủ tướng Paula Bennett, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Gerry Browlee và Bộ trưởng Thương mại Todd McClay, dự chiêu đãi của Bộ trưởng – Tổng - Tổng chưởng lý Chris Finlayson.
Tại hội đàm và các cuộc tiếp xúc, hai bên hài lòng ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác Toàn diện hướng tới Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand Chủ tịch Quốc hội David Carter trân trọng nhắc lại lời mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm New Zealand vào cuối năm 2017. Hai bên nhất trí về việc sớm ký kết Chương trình hành động Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2017-2020 trong năm 2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Paula Bennett cùng các lãnh đạo New Zealand khẳng định quyết tâm thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều, hướng đến mục tiêu 1,7 tỉ USD vào năm 2020; tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và New Zealand có lợi thế như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng... Phó Thủ tướng Paula Bennett và Bộ trưởng Thương mại Todd McClay khẳng định sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand - trước mắt sẽ sớm hoàn thành rà soát rủi ro, đưa trái chôm chôm vào thị trường này trong năm 2017 và sau đó là các loại trái cây khác.
New Zealand cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy sớm thu xếp tổ chức kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - New Zealand.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các lãnh đạo New Zealand tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và tự do hóa thương mại ở khu vực; nhất trí tăng cường hợp tác nhằm tìm hướng đi phù hợp cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nguồn: Vinanet