Dẫn nguồn tin từ Báo hải quan online, lượng ôtô nhập về trong tháng xấp xỉ 100% ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống được nhập qua cảng Hải Phòng và Tp.HCM.
Cơ cấu thị trường ô tô nhập khẩu tháng 7/2019
Thông tin từ Tổng cục Hải quan tháng 7/2019, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là Thái Lan với 6.572 chiếc, Indonesia với 3.210 chiếc, Trung Quốc với 600 chiếc, Nhật Bản với 201 chiếc và Hàn Quốc với 157 chiếc.
Số xe nhập khẩu từ 5 thị trường này chiếm tới khoảng 92,5% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng.
Ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có 8.177 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu, với tổng trị giá 161 triệu USD, chiếm 73,3% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu.
Trong đó, xe nhập khẩu qua khu vực cảng TPHCM là 5.322 chiếc và khu vực cảng Hải Phòng là 2.830 chiếc.
Xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống được đăng ký nhập khẩu trong tháng 7/2019 chủ yếu là có xuất xứ Thái Lan với 4.904 chiếc và xe xuất xứ Indonesia với 2.712 chiếc.
Ô tô tải có 2.520 chiếc được nhập về trong tháng 7, với tổng trị giá đạt 60 triệu USD.
Trong đó, có tới 1.668 chiếc xe có xuất xứ từ Thái Lan, và 498 chiếc xuất xứ từ Indonesia.
Ô tô tải cũng nhập khẩu chủ yếu ở khu vực cảng TPHCM với 1.496 chiếc; khu vực cảng Hải Phòng với 688 chiếc.
Ô tô loại khác (xe ô tô chuyên dụng) có 437 chiếc nhập khẩu trong tháng 7, với tổng trị giá khai báo khoảng 28,4 triệu USD.
Trong đó, có tới 272 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc; 100 xe từ Hàn Quốc.
Ô tô nguyên chiếc loại này nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng qua chủ yếu qua cửa khẩu của Lạng Sơn với 230 chiếc; khu vực cảng của Bà Rịa- Vũng Tàu với 60 chiếc; khu vực cảng TPHCM với 52 chiếc; khu vực cảng Hải Phòng với 42 chiếc.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, Việt Nam nhập khẩu tới 86.969 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, gấp gần 4,6 lần so với con số 18.888 chiếc của cùng kỳ năm trước, với trị giá 1,93 tỷ USD, tăng gấp 4,2 lần trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 63.063 chiếc, gấp 5 lần; ô tô vận tải là 20.805 chiếc, gấp gần 3 lần so với 7 tháng năm 2018.
Theo số liệu từ TCHQ, 7 tháng đầu năm 2019, ô tô  xuất xứ từ Indonesia tăng đột biến, tuy chỉ có 24,1 nghìn chiếc, trị giá 342,28 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ 2018 tăng gấp 24,4 lần về lượng và gấp 16,15 lần về trị giá.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2019 nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc về Việt Nam tăng mạnh, nguyên nhân tăng theo Cục Xuất nhập khẩu mức tăng mạnh tập trung chủ yếu vào dòng ôtô con, chiếm đến 72,8% tổng lượng nhập khẩu ô tô. Đây là dòng xe vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa phục vụ kinh doanh nên nhu cầu xã hội rất lớn.
Ngoài ra, một số dòng ô tô con còn được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm về mức 0%, do vậy nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN tăng mạnh.
Ngoài ra, sau một thời gian bị chững lại do những quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các doanh nghiệp nhập khẩu và hãng sản xuất đã đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định, đặc biệt là vấn đề Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA). Do vậy, các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để bù vào lượng xe nhập khẩu giảm ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành.
Thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 7 tháng năm 2019

Thị trường

7 tháng năm 2019

+/- so với cùng kỳ 2018 (%)*

Lượng (Chiếc)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Thái Lan

52.526

1.046.117.623

246,23

255,06

Indonesia

24.155

342.281.164

2,349,80

1,515,34

Trung Quốc

3.273

132.418.584

507,24

784,84

Nhật Bản

1.875

97.624.640

293,08

247,81

EU

1.208

78.658.386

292,21

311,08

Đức

875

57.451.343

239,15

342,36

Mỹ

804

30.152.895

180,14

88,78

Hàn Quốc

741

49.348.358

298,39

362,37

Nga

546

46.672.043

46,77

64,93

Anh

312

19.195.051

1,200,00

612,46

Ấn Độ

109

35.970.040

101,85

6,643,94

Canada

26

3.873.479

62,5

439,71

Pháp

21

2.011.992

-19,23

-41,73

(*tính toán số liệu từ TCHQ)

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet