Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ cho biết, tháng 4/2018 Việt Nam đã nhập khẩu 489,1 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 144,6 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và 22,6% về trị giá so với tháng 3/2018 – đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp, nâng lượng phân bón nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2018 lên 1,4 triệu tấn đạt 405,9 triệu USD giảm 9,5% về lượng và giảm 4,5% về trị giá. Giá nhập bình quân 284,3 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2017.

Trung Quốc – thị trường chủ lực nhập khẩu phân bón của Việt Nam chiếm 30,8% tổng lượng nhóm hàng, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm nay Việt Nam giảm nhập khẩu từ thị trường, giảm 30,89% về lượng và 31,18% về trị giá, với 440,5 nghìn tấn, trị giá 114,9 triệu USD.

Thị trường cung cấp lớn thứ hai là Nga đạt 210,1 nghìn tấn, đạt 62,2 triệu USD, tăng 22,1% về lượng và 21,47% về trị giá so với cùng kỳ. Kế đến là các thị trường Belarus, Nhật Bản, Israel, Malasyia, Lào….
Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2018 nhập khẩu phân bón từ thị trường Israel tăng vượt trội, gấp hơn 2 lần về lượng và trị giá, tuy lượng nhập chỉ đạt 87,1 nghìn tấn, 26,5 triệu USD, giá nhập bình quân giảm 1,05% so với cùng kỳ, xuống còn 304,89 USD/tấn. Ngược lại, nhập từ thị trường Indonesia giảm mạnh 73,84% về lượng và 70,52% trị giá, tương ứng với 28,5 nghìn tấn 8,3 triệu USD, giá nhập bình quân 292,94 USD/tấn, tăng 12,7%.
Ngoài thị trường Israel có lượng phân bón tăng mạnh, thì nhập từ thị trường Malaysia cũng tăng khá gấp gần 2 lần cả về lượng và trị giá đạt 80,9 nghìn tấn, 22,7 triệu USD, giá nhập bình quân tăng 5,49% lên mức 280,52 USD/tấn.
Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, kết thúc tháng 4/2018 nhập khẩu phân bón từ hai thị trường Mỹ và Ấn Độ có giá đắt nhất, tương ứng với 1474,88 USD/tấn và 1907,67 USD/tấn, tuy nhiên so với cùng kỳ giá nhập bình quân từ thị trường Mỹ giảm 9,58% trong khi từ Ấn Độ lại tăng 3,98%. Mặc dù nhập từ hai thị trường có giá cao nhất, nhưng lượng nhập lại thấp nhất trong số những thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam.
 
Về tình hình sản xuất phân bón trong nước, tháng 4/2018 sản lượng phân Ure giảm 1,7% so với tháng 3 còn 229,3 nghìn tấn, nhưng tăng 8,7% so với tháng 4/2017 tính chung 4 tháng lượng Ure đạt 799,6 nghìn tấn giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngược lại phân NPK sản lượng trong tháng 4 tăng 4,7% so với tháng 3 và tăng 9,3% so với tháng 4/2017, nâng lượng phân NPK 4 tháng đầu năm 2018 lên 962 nghìn tấn, tăng 5,2% so với 4 tháng năm 2017.
Sản lượng phân NPK tăng bởi từ quý 1/2018, Nhà máy NPK Phú Mỹ - công nghệ hóa học của PFFCCo đã bắt đầu chạy thử, vận hành với công suất, chất lượng cao. Theo nhu cầu mùa vụ, hiện nay Nhà máy đang tập trung sản xuất, đưa ra thị trường các công thức chính là NPK Phú Mỹ 16-16-8 + 13S + TE, NPK Phú Mỹ 16-8-16 + TE. Theo Phó Tổng Giám đốc PVFCCo cho biết, cùng với khoảng 50.000 tấn NPK Phú Mỹ, PVFCCo dự kiến cung cấp 270.000 tấn Đạm Phú Mỹ và 80.000 tấn Kali Phú Mỹ cho vụ hè thu/mùa mưa năm nay.

Nguồn: Vinanet