Theo số liệu thống kê từ TCHQ, lượng tiêu xuất khẩu của cả nước trong tháng 8/2018 đạt 22,1 nghìn tấn, trị giá 65,1 triệu USD, tăng 4,1% về lượng nhưng giảm 1,7% trị giá so với tháng 7/2018 – đây là tháng thứ 5 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tiêu sụt giảm. Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, lượng tiêu đã xuất 175,4 nghìn tấn, trị giá 584,1 triệu USD, tăng 4,9% về lượng nhưng giảm 35,1% trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất bình quân 8 tháng 2018 ước đạt 3.329 USD/tấn, giảm 61,9% so với cùng kỳ năm 2017, do giá chào bán xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 8/2018, cùng chiều với xu hướng giảm chung của hạt tiêu thế giới.
Hạt tiêu của Việt Nam được xuất khẩu nhiều sang các thị trường như Mỹ, EU, Ấn Độ, Đông Nam Á, Pakistan - đây là những thị trường có lượng tiêu xuất đạt ở mức cao chiếm tới 48,4%, trong đó Mỹ chiếm 17,4% đạt 31,5 nghìn tấn, trị giá 112,6 triệu USD, tăng 10,2% về lượng nhưng giảm 33,76% trị giá so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường EU, chiếm 11,4% đạt 20 nghìn tấn, trị giá 78,9 triệu USD, tăng 4,52% về lượng nhưng giảm 35,52% trị giá; tiếp theo là Ấn Độ, Đông Nam Á, Pakistan lần lượt chiếm 8,6%; 5,6% và 4,7%.
Ngoài ra, hạt tiêu còn được xuất sang các thị trường khác nữa như: Ai Cập, Đức, Hà Lan,….
Nhìn chung, 8 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều sụt giảm, trong đó giảm nhiều nhất là thị trường Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ, giảm tương ứng 62,24% và 61,32%, tương ứng với 1,3 triệu USD và 6,2 triệu USD. Đặc biệt, thời gian này thị trường Ba Lan tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, tuy chỉ đạt 1,3 nghìn tấn, trị giá 4,7 triệu USD, nhưng tăng gấp 2,15 lần về lượng (tức tăng 115,49%) và 32,46% trị giá so với cùng kỳ.
Cơ cấu 10 thị trường chủ lực xuất khẩu hạt tiêu 8T/2018

Tại thị trường nội địa, tháng 8/2018 giá tiêu thu mua giảm sâu và chạm mức giá thành sản xuất, làm nhiều hộ nông dân không còn lãi, thậm chí là bị lỗ.
Tính đến ngày 23/8/2018, giá thu mua hạt tiêu đen giao động ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng và giảm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), đã có nhiều dự báo thị trường được đưa ra tuy nhiên chưa có dấu hiệu giá tiêu phục hồi trong các tháng cuối năm 2018.
Hiện nhu cầu từ các nước nhập khẩu hồ tiêu vẫn ở mức thấp trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục được bổ sung, nhất là khi Indonesia, Malaysia, Brazil, Sri Lanka, đã thu hoạch vụ mới và Việt Nam được dự báo trúng mùa năm 2019.
Thị trường thế giới đang dư thừa hạt tiêu, nếu tính thêm 104.000 tấn tiêu tồn kho năm 2017 mang sang năm 2018, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC).
Theo VPA, tổng nhu cầu hạt tiêu trên thế giới chỉ vào khoảng 350.000 tấn/năm, nhưng tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu ước tính đã đạt tới 547.000 tấn, trong đó, Việt Nam cung ứng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62%.
Theo Quy hoạch phát triển hạt tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đến năm 2020, diện tích hạt tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, cả nước đạt gần 110.000 ha hồ tiêu, cao gấp hơn 2 lần so với quy hoạch, trong đó các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm 93,5% diện tích hồ tiêu cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Quốc Doanh, tại phiên họp thường niên Nhóm công tác PPP (ngày 16/8/2018) cho rằng, phá vỡ quy hoạch, nguyên nhân chính dẫn đến thừa nguồn cung, làm giá giảm sâu.
Việc giá tiêu hạt liên tục tăng cao trong nhiều năm trước đây, có thời điểm tăng lên 230 ngàn đồng/kg. Các hộ nông dân khu vực Tây Nguyên đã bất chấp khuyến cáo, ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu với mong muốn có được lợi nhuận cao gấp 3, 4 lần so với trồng cà phê hay điều.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hạt tiêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị các tỉnh có vùng nguyên liệu hạt tiêu rà soát lại quy hoạch và quản lý sản xuất hồ tiêu theo đúng kế hoạch của từng địa phương, từng vùng.
Thế nhưng, để ngành hạt tiêu phát triển bền vững, theo ông Doanh, cần sớm có trung tâm nghiên cứu hạt tiêu. Việc nghiên cứu một cách bài bản về giống, cùng với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sẽ bảo đảm chất lượng hồ tiêu phục vụ cho xuất khẩu. 

Nguồn: Vinanet