Tính đến cuối năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cung cấp hơn 100 tỷ m3 khí. Trong đó khí cho phát điện khoảng chiếm khoảng 90% tổng sản lượng góp phần sản xuất ra khoảng 30% tổng sản lượng điện cả nước; khí cho sản xuất phân đạm chiếm khoảng 8% góp phần sản xuất ra khoảng 70% tổng nhu cầu phân đạm trong cả nước.

Tại Hội thảo “Tổng quan thị trường khí Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” mhằm đánh giá triển vọng phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến 2035 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa mới tổ chức, ông Vũ Đào Minh - Phó Ban Khai thác Dầu khí Tập đoàn đã trình bày tham luận về kế hoạch phát triển các mỏ khí từ này đến năm 2035.

Theo ông Minh, bên cạnh các mỏ khí đang được khai thác hiện hữu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ khí tiềm năng khác thuộc bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Khu vực Miền Trung và Tây Nam Bộ. Hiện nay, sản lượng khí cung cấp hàng năm vào khoảng 10 tỷ m3 khí/năm dự kiến sẽ duy trì đến năm 2020.

Từ năm 2020 trở đi các mỏ khí khai thác hiện hữu sẽ suy giảm ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo nguồn cung khí cho các khách hàng tiêu thụ. Bên cạnh việc suy giảm sản lượng khí, việc phát triển các mỏ khí mới đối mặt với những khó khăn như: hàm lượng tạp chất cao (CO2, H2S), ở vị trí nước sâu, xa bờ và có vị trí tại những khu vực nhạy cảm. Những yếu tố này tác động để chi phí khai thác, thu gom, chế biến ảnh hưởng đến giá khí cung cấp cho khách hàng tiêu thụ.

Theo đó từ năm 2017 đến năm 2035 tổng cung khí của cả nước là trên 268 tỷ m3 khí trong khi tổng cầu trong khoảng thời gian này là trên 344 tỷ m3. Như vậy, cung sẽ không đáp ứng đủ cầu do sự suy giảm của các nguồn khí hiện tại và sự phát triển thêm các nhà máy điện mới theo Quy hoạch Điện VII.

Để bù đắp sự thiếu hụt này, cần thiết phải phát triển các nguồn khí mới, xây dựng cơ sở hạ tầng để thu gom, phát triển các mỏ khí cận biên và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Theo thông tin dự báo sản lượng LNG nhập khẩu, khu vực Đông Nam Bộ sẽ bắt đầu nhập khẩu LNG từ 2020 với sản lượng khoảng 0,6 triệu tấn và tăng lên khoảng 1 triệu tấn khi cả hai nhà máy điện Nhơn Trạch 3/4 đi vào vận hành.

Sau năm 2025, nhu cầu LNG nhập khẩu tăng mạnh từ mức 5 triệu tấn/năm vào 2025, tăng lên 11 triệu tấn năm vào 2030 và đạt mức 13,9 triệu tấn vào 2035. Khu vực Bắc Bộ cũng bắt đầu tham gia nhập khẩu LNG từ năm 2025 cấp bù khí cho các khách hàng tiêu thụ tại Thái Bình và các tình lân cận khu vực Bắc Bộ.

Bên cạnh việc thiếu các nguồn cung, Việt Nam phải nhập khẩu LNG thì chúng ta phải đối diện với thực tế suy giảm sản lượng mạnh của các nguồn khí có giá thấp và xu hướng giá khí cao (cao hơn 5 USD/tr BTU) của các nguồn khí mới khai thác trong khoảng 3-5 năm tới. Với giá khí tại mỏ của các nguồn khí mới khai thác cao, PVN vẫn phải tiếp tục đầu tư để thu gom/vận chuyển khí từ các mỏ nhỏ/cận biên nằm xa tuyến ống trục làm cho tổng giá khí đến các hộ tiêu thụ tăng cao.

Đây sẽ là thách thức cho việc phát triển đồng bộ ngành công nghiệp khí trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách hợp lý và có những khuyến khích đầu tư của Chính phủ trong trường hợp cần thiết. Trong đó cần có chính sách giá bán khí khác nhau cho các đối tượng khách hàng khác nhau như Điện, Hóa dầu và khách hàng công nghiệp. Có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của thị trường khí, đảm bảo hiệu quả của các dự án đầu tư và góp phần vào công tác an năng lượng, an ninh biển đảo, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xem xét, bổ sung và hiệu chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2035 phù hợp với tình hình phát triển của ngành công nghiệp khí nói riêng và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàn Quốc Vượng cũng yêu cầu PVN nghiên cứu, đề xuất chính sách giá khí hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà Nước và doanh nghiệp, người dân và giữa các doanh nghiệp với nhau làm tiền đề phát triển mạnh mẽ hơn nữa công nghiệp khí Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã yêu cầu cụ thể đối với các Ban chức năng của Tập đoàn và các đơn vị liên quan của PVN phải tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng để gia tăng trữ lượng xác minh nhằm đảm bảo nguồn cung cấp ốn định và lâu dài, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ, đồng thời nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ và các Bộ Ngành chính sách giá khí và các cơ chế hợp lý để phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Nguồn: ndh.vn