Nhiều khó khăn trong năm 2016

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, ngành da giày đạt 16,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 23,6% năm 2014 và 16% năm 2015.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp trong ngành với trên 4 tỷ USD, chiếm 35,1% tỷ trọng. Tiếp đến là thị trường EU với hơn 3,72 tỷ USD, chiếm 31,7% tỷ trọng.

Khối Đông Á là thị trường xuất khẩu có sức tăng trưởng nhanh của sản phẩm da giày Việt và chỉ đứng sau Mỹ, EU. Cụ thể, Nhật Bản tăng 20%, Trung Quốc tăng 11,8%, Hàn Quốc tăng 9,3%, Đài Loan 94,6%... Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 2,604 tỷ USD.

Theo Lefaso, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia.

Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc.

Xuất khẩu của ngành sang thị trường ASEAN năm vừa qua lại không ổn định. Từ ngày 01/01/2016, thuế sản phẩm da giày, túi xách lưu thông nội khối đã về 0%, đi kèm với đó là các hàng rào phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng. Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng đã có một số chính sách tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường cho doanh nghiệp các nước thành viên. Tuy nhiên, xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam sang thị trường này chỉ tăng 1,7%, trong đó xuất khẩu sang Singapore tăng 2,1%, Malaysia tăng 16% nhưng xuất khẩu sang Indonesia giảm 3%, Thái Lan giảm 10%, Philippines giảm 2%.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 80,8% trong tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, chủ yếu là các tập đoàn đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, như: Tập đoàn Yuan Chi, Pou Chen Group, Feng Tay…với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hàng tỷ USD.

Mức đóng góp của khối doanh nghiệp FDI tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2013, khối doanh nghiệp này chiếm 75% tỷ trọng, năm 2015 tăng lên 78% và năm 2016 chiếm 80,8%. xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI liên tục tăng cao là do các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Trái ngược với sức tăng trưởng từ khối doanh nghiệp FDI, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm, năm 2013 chiếm 25% tỷ trọng, năm 2015 giảm còn 21,4%, năm 2016 còn 19,2%. Nguyên do, khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến doanh nghiệp trong nước chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, yếu sức cạnh tranh.

Như vậy, so với mục tiêu 17 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tương ứng tăng trưởng 10% được đặt ra từ đầu năm 2016, ngành da giày đã lỗi hẹn..

Dẫn lời bà Dương Hồng Nhung, Thư ký Lefaso trên Báo điện tử Công Thương, sở dĩ, năm 2016, ngành da giày Việt Nam dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 8,8% thay vì 10% như mục tiêu là do: những bất ổn về chính trị, cụ thể là sự kiện Anh rời châu Âu (Brexit), khiến sức tiêu dùng tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh chững lại. Các nhà nhập khẩu nhập khẩu theo đó đặt hàng cầm chừng với số lượng ít đã khiến đơn hàng về Việt Nam giảm mạnh.

Một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh càng khiến tình trạng đơn hàng giảm đi.

Theo Lefaso, tình trạng biến động đơn hàng chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức suy giảm từ 30%-60%. Ngoài ra, trong nước, tình hình tình hình kinh tế khó khăn thiên tai, lũ lụt... cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp không ít khó khăn. Trao đổi với báo chí tại Triển lãm Quốc tế Da Giày lần thứ 18 (từ ngày 13-15/07/2016), bà Dương Hồng Nhung, Thư ký Lefaso nhận định, nguyên liệu trong nước không đẹp, chất lượng chưa thực sự tốt với kỹ thuật thô sơ. Do đó nhiều doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Việc nhập nguyên liệu đội giá thành sản phẩm lên khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bà Nhung còn chỉ ra một khó khăn khác đó là thiếu vốn. Doanh nghiệp thiếu vốn và phải vay với lãi suất cao, không được ưu đãi.

Các doanh nghiệp da giày cần phải làm gì?

Có thể nói, việc tăng trưởng xuất khẩu 1 chữ số trong năm 2016 đang tạo thêm sức ép kế hoạch cho xuất khẩu da giày, túi xách trong năm 2017.

Tuy nhiên, với những nhận định khả quan về thị trường, đơn hàng được cải thiện, ngành da giày đặt mục tiêu lớn cho năm 2017 với 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 10% so với năm 2016.

Theo Lefaso, năm 2017, các chuyên gia quốc tế dự báo kinh tế thế giới có xu hướng khởi sắc hơn năm 2016. Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn. Vì vậy, có khả năng một số đơn hàng gia công sẽ chuyển dịch về Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào đầu năm 2018 với ưu đãi thuế quan hấp dẫn cũng sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư.

Ngoài ra, ngành da giày đổi mới mô hình sản xuất, tham gia các chuỗi sản xuất da giày trong nước, khu vực và toàn cầu; đồng thời, đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại hóa và mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách, theo Lefaso, các doanh nghiệp da giầy trong nước phải tự vươn lên, thay đổi hình thức sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, chủ động hội nhập để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Nguồn: kinhtevadubao.vn