Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, trong khi giá trị XK các nhóm hàng chính như tôm và cá tra vào thị trường này cùng giảm nhẹ thì riêng nhóm hàng mực, bạch tuộc XK lại tăng trưởng ấn tượng từ 2 đến 3 con số liên tiếp trong nhiều tháng.
Tính đến 15/12/2017, tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 9,3 triệu USD và tăng trên 100% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là thị trường nhập khẩu có mức tăng trưởng mạnh thứ 3 sau Pháp và Trung Quốc.
Ngoại từ tháng 1 và tháng 4, XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang Mỹ giảm lần lượt là 37,9% và 25,5%, các tháng còn lại, giá trị XK mặt hàng này liên tục tăng mạnh, có tháng tăng trên 500%, và đến nửa đầu tháng 12/2017 con số này đã đột biến lên tới 759,3%. Hai nhóm sản phẩm chính chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu XK sang Mỹ vẫn là mực đông lạnh và bạch tuộc đông lạnh với giá trị cùng đạt trên 3 triệu USD.
Người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng tiêu thụ mạnh các sản phẩm bạch tuộc của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2017. Giá trị XK sản phẩm này sang Mỹ tăng tới 309,6% so với cùng kỳ 2016, trong khi giá trị XK các sản phẩm từ mực chỉ tăng trên 40%.
Dù kim ngạch XK sang thị trường này đang tăng khá nhanh nhưng thực tế, hiện nay, thị phần mực, bạch tuộc Việt Nam tại Mỹ vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với các nước nguồn cung khác ở châu Á. Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 9 cho thị trường này.
Theo VASEP, năm 2017, 9 thị trường chính của nhóm hàng mực, bạch tuộc đều tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi nhiều mặt hàng như tôm, cá tra gặp khó khăn thì riêng mặt hàng này vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng XK tăng cao. Tăng trưởng XK nhóm ngành hàng mực và bạch tuộc đã góp phần giúp kim ngạch XK thủy sản năm 2017 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 8,3 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm 2016. Thủy sản cũng là một trong những mặt hàng có giá trị XK cao nhất trong những ngành hàng nông nghiệp XK của nước ta trong năm qua.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn