Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất, trong tháng 10/2018 sụt giảm 0,9% so với tháng 9/2018, nhưng tăng 22,8% so với tháng 10/2017, đạt 209,75 triệu USD. Tính chung cả 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 2,41 tỷ USD, chiếm 73,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á - thị trường lớn thứ 2, trong tháng 10/2018 kim ngạch đạt 8,26 triệu USD sụt giảm 0,8% so với tháng 9/2018 và giảm 11,4% so với tháng 10/2017, nhưng cộng chung cả 10 tháng đầu năm, kim ngạch vẫn tăng 10,4% so với cùng kỳ, đạt 115,67 triệu USD, chiếm 3,5% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ 10 tháng đầu năm nay tăng mạnh 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 112,53 triệu USD, chiếm  3,4%. Riêng tháng 10/2018 kim ngạch đạt 13,25 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng 9/2018 và tăng rất mạnh 74,3% so với tháng 10/2017.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 95,6 triệu USD, chiếm  2,9%, tăng 28,7%; EU đạt 92,24 triệu USD, chiếm 1,3%, tăng 7,4%; Nhật Bản đạt 89,45 triệu USD, chiếm 1,2%, giảm 14,3%.

Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang phần lớn các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường sau: Campuchia tăng 239,7%, đạt 2,33 triệu USD; Kuwait tăng 49,9%, đạt 2,88 triệu USD; Pháp tăng 44,6%, đạt 19,6 triệu USD, Australia tăng 36,8%, đạt 32,83 triệu USD và Mỹ tăng 34,7%, đạt 112,53 triệu USD.

Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Indonesia sụt giảm rất mạnh 75,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 0,76 triệu USD.

Những năm gần đây, xuất khẩu rau quả liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tích cực. Nếu làm tốt khâu thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến sâu hiệu quả, con số ngoại tệ mà xuất khẩu rau quả đem về trong vài năm tới được dự báo gấp đôi, thậm chí có thể gấp ba lần hiện tại.
Các chuyên gia dự báo: Thời gian tới, triển vọng xuất khẩu mặt hàng rau quả sẽ tiếp tục thuận lợi. Nguồn cung trong nước dồi dào, nhiều mặt hàng đang và sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, thanh long, dưa hấu, bưởi, chuối… với năng suất cao. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại được chú trọng cũng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2017.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Các tháng cuối năm, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm), nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm) sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu đều đặn, đem về nhiều tỷ USD, tuy nhiên, nhìn sâu vào cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu lại thấy xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu rau quả thô hoặc sơ chế. Tỷ trọng mặt hàng này chiếm tới trên 90% tổng rau quả xuất khẩu. Các loại rau quả đã qua chế biến xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng vỏn vẹn dưới 10%.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTTN) đánh giá: Thực chất phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến, song rau quả Việt xuất khẩu khá hạn chế điểm này, nhất là chế biến sâu. Một số chuyên gia nhận định: Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội rất tốt để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam. Với các FTA, Việt Nam được tự do xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác và ngược lại. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng mà xuất khẩu rau quả phải đối mặt là các hàng rào kỹ thuật. Về mặt giải pháp, nếu có thể đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu rau quả gần như sẽ vượt được 2 hàng rào kỹ thuật căn bản mà Việt Nam đang rất yếu là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Kiểm dịch thực vật yêu cầu rất tuyệt đối. Nhiều trường hợp, cả tàu hàng chỉ cần bị phát hiện 1 con sâu là nước nhập khẩu sẽ yêu cầu tái xuất. Thậm chí nếu phát hiện cá thể được coi là đối tượng kiểm dịch thực vật đã chết, nước nhập khẩu cũng không cho phép nhập hàng vào. Rau quả đã qua chế biến khi xuất khẩu sẽ vượt qua được hàng rào kiểm dịch thực vật này. Bên cạnh đó, sản phẩm đã qua chế biến, các nước nhập khẩu cũng không nghiêm ngặt về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm giống sản phẩm tươi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chế biến còn giúp nông sản nói chung, rau quả nói riêng tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.
Thực tế hiện nay, Việt Nam cũng đã xuất khẩu khá nhiều sản phẩm rau quả chế biến như xoài dẻo, nước trái cây (lạc tiên, chanh leo…). Tiềm năng xuất khẩu rau quả chế biến còn rất lớn. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, con số 10 tỷ USD vào năm 2025 là hoàn toàn đạt được. Thậm chí, đầu tư cho chế biến sâu sẽ là bước đột phá để giải quyết vấn đề thị trường của nông sản Việt.
Xoay quanh vấn đề này, một số chuyên gia nêu quan điểm: Hiện nay, lượng doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả ở Việt Nam còn rất ít. Lý do là bởi Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh lớn, tập trung. Doanh nghiệp khi đã đầu tư máy móc cần số lượng nguyên liệu chế biến khá nhiều. Ví dụ, khi hết mùa vải trong vòng 1 tháng, để không dư thừa công suất máy móc cũng như nhân công, doanh nghiệp sẽ phải quay vòng chế biến thanh long, cam bưởi… Thậm chí, chế biến còn giúp tận dụng các loại phụ phẩm khá tốt. Ví dụ, tại Nhật Bản, sau khi ép nước táo, bã táo được sử dụng để làm bánh, kẹo…
Việc đầu tư chế biến rau quả, điển hình là ép nước trái cây công nghệ khá đơn giản. Tuy nhiên, mấu chốt là Nhà nước phải có chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vấn đề mặt bằng, đất đai, xây dựng vùng chuyên canh…

Xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2018

ĐVT: USD

Thị trường

T10/2018

% tăng giảm so với T9/2018 *

10T/2018

% tăng giảm so với cùng kỳ*

Tổng kim ngạch XK

291.510.202

 

1,08

3.264.348.490

13,94

Trung Quốc

209.750.263

-0,92

2.410.429.297

11,27

Mỹ

13.252.938

1,87

112.528.086

34,73

Hàn Quốc

10.378.493

25,67

95.598.243

28,73

Nhật Bản

7.675.508

2,88

89.450.502

-14,26

Hà Lan

4.642.063

23,6

49.761.366

-4,01

Malaysia

2.213.457

-29,42

41.812.915

1,87

Thái Lan

2.692.214

40,14

39.231.844

32,35

Đài Loan (TQ)

3.315.123

-45,37

34.871.492

-8,53

U.A.E

4.191.671

66,15

33.502.788

16,11

Australia

5.900.397

57,22

32.830.267

36,76

Nga

2.020.521

10,13

25.548.390

4,64

Singapore

2.470.203

18,45

23.783.351

0,42

Pháp

2.388.390

22,87

19.599.441

44,63

Canada

1.670.288

-21,45

18.271.492

27,32

Hồng Kông (TQ)

2.250.366

11,05

17.823.904

3,47

Đức

1.923.658

63,45

13.425.048

26,47

Lào

664.688

-34,13

7.759.222

17,73

Anh

540.330

16,99

5.089.950

-3,99

Italia

671.320

171,26

4.363.304

-5,35

Kuwait

406.083

113,26

2.879.218

49,89

Campuchia

78.976

-10,99

2.325.610

239,69

Ukraine

70.954

-59,6

894.241

-13,96

Indonesia

144.628

54,81

758.067

-75,83

 (*Vinanet tính toán từ số liệu của TCHQ)

 

Nguồn: Vinanet