Số liệu công bố tại hội nghị tổng kết năm 2017 cho thấy ngành nông nghiệp thắng lớn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 36,3 tỷ đô la Mỹ (tăng 13% so với năm 2016). Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính trong năm ước đạt 18,96 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đạt 3,45 tỷ đô la Mỹ (tăng 40,5%), bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,66 tỷ đô la Mỹ và vượt cả xuất khẩu dầu thô.
Hiện đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng chiếm một nửa diện tích trồng rau củ quả cả nước. Rau củ quả Việt Nam hiện xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, 10 thị trường xuất khẩu rau quả trong năm 2017 của Việt Nam gồm: Trung Quốc (75,6%), Nhật Bản (3,64%) Hoa Kỳ (2,94%), Hàn Quốc (2,59%), Hà Lan (1,81%), Malaysia (1,43%), Đài Bắc - Trung Hoa (1,33%), Thái Lan (1,03%), UAE (1,01%), Nga (0,85%). Còn lại các thị trường khác chiếm 7,77%.
Đáng chú ý, thanh long và nhãn đang là hai loại quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hai loại quả này đã đáp ứng được các thị trường “khó tính” nhất bởi được có quy trình trồng tốt, tập trung với diện tích lớn, rải vụ, sản phẩm quanh năm, có quy trình thu hái, bảo quản sau thu hoạch tốt và hiện đại.
Sản phẩm xuất khẩu có chất luợng cao, ổn định, hệ thống đóng gói, bảo quản chuyên nghiệp, vận tải được bằng đường biển và hàng không, giá ổn định, khả năng cạnh tranh cao.
Một tin vui cho ngành nông nghiệp Việt Nam, trái xoài tươi đã chính thức được chấp nhận vào thị trường Mỹ từ ngày 29/12/2017. Như vậy, ngoài vú sữa, xoài tươi là loại trái cây thứ hai được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2017.
Năm 2017, GDP toàn ngành nông nghiệp tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Thặng dư thương mại trong nông nghiệp đạt 8,55 tỷ đô la Mỹ. Có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng: “Năm 2017 ngành nông nghiệp được đánh giá rất cao và có thể nói là năm thành công khi nhìn vào con số kim ngạch xuất khẩu khá lớn.
Trong đó, có mặt hàng rau quả còn vượt cả dầu thô, gạo. Từ kết quả khả quan đó, với tiềm năng của Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nông sản cao hơn nữa”.
Thực tế, nông sản Việt Nam mới đang chinh phục được chủ yếu thị trường dễ tính, còn những thị trường “khó tính” mới có ít sản phẩm nông sản vào được.
Câu hỏi đặt ra làm sao để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đưa nông sản Việt Nam có mặt tại những thị trường khó tính cũng như giải được bài toán “được mùa rớt giá”, Phó Giáo sư Ngô Trí Long chỉ ra: “Muốn nông sản xuất khẩu được thì phải làm từ khâu chọn giống, quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, rồi xuất khẩu ra làm sao.
Kinh tế thị trường chúng ta phải làm cái gì người ta cần, chứ không phải làm cái gì mình có.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần tiếp tục phát huy được thế mạnh như kết quả đạt được năm 2017. Những thị trường “dễ tính” chúng ta đã vào được rồi cần tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa.
Còn đối với thị trường khó tính, chúng ta phải tìm hiểu điều kiện vào được cũng như khả năng thực lực của mình chứ không bất chấp vào bằng mọi giá”.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long phân tích: “Ví dụ muốn xuất khẩu nông sản vào thị trường nào đó, mình phải tìm hiểu họ yêu cầu ra sao từ giống, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói.
Đáp ứng được các yêu cầu đó thì việc xuất khẩu nông sản vào thị trường bất kỳ nào đó có nhu cầu thì không phải là khó đối với nông sản Việt.
Nhưng cũng phải tính bài toán hiệu quả kinh tế, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản vào thị trường nào phải tính toán xem chi phí sản xuất ra sao, nếu đáp ứng được tiêu chí, điều kiện của họ mà chi phí quá cao, giá trị xuất khẩu thấp thì phải cân nhắc.
Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu thị trường, sau khi cân nhắc, nếu đáp ứng được thì có thể tiến hành ký kết, đặt hàng. Như thế sẽ đảm bảo đầu ra và chủ động trong sản xuất, giá trị xuất khẩu sẽ cao”.
Nông nghiệp thắng lớn, xuất khẩu được hơn 36 tỷ USD
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Quyền Đình Hà (Khoa Kinh tế nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đánh giá: “Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2017 cao nhất trong nhiều năm qua. Đây là năm thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Con số 3,4 tỷ đô la Mỹ xuất khẩu rau, quả năm 2017 là rất cao, nhưng cao ở đây là so với những năm trước.
Còn so sánh con số trên với một số nước trong khu vực như Thái Lan chúng ta vẫn thua xa.
Hơn nữa dư địa tăng trưởng xuất khẩu còn rất lớn bởi dung lượng thị trường lớn và thị phần mặt hàng của Việt Nam tại các thị trường tiềm năng còn thấp.
Như mặt hàng rau quả, với giá trị thị trường nhập khẩu rau, quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ đô la Mỹ/năm kể từ năm 2011. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu rau, quả Việt Nam hiện mới chiếm hơn 1% thị phần.
Con số trên là rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của chúng ta. Nếu làm tốt trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu phải tăng 3-4 lần nữa”.
Phó Giáo sư Hà cũng cho rằng: “Công tác chế biến xuất khẩu, xúc tiến thương mại cần làm tốt hơn nữa để đảm bảo đầu ra, đặc biệt xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới.
Doanh nghiệp cần phải đầu tư để phát triển thị trường, tìm hiểu xem họ yêu cầu tiêu chuẩn, kỹ thuật gì để đáp ứng và ký kết. Như quả vải, bao năm qua chúng ta nói vải nhiều, nhưng mãi gần đây với chính thức xuất khẩu được.
Hơn nữa, để tránh tình trạng được mùa mất giá thì phải làm tốt các khâu từ chọn giống, chế biến, xuất khẩu, làm tốt thương mại hay nói cách khác là đảm bảo thị trường đầu ra.
Các bộ ngành cũng cần có chính sách, định hướng rõ ràng để bà con sản xuất có kế hoạch, mục đích làm sao từ khâu chọn giống đến khi xuất khẩu thông suốt.
Cũng theo Phó Giáo sư Quyền Đình Hà, vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia các mặt hàng nông sản của nước ta còn yếu. Như gạo, cà phê xuất khẩu cũng lớn nhưng chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, Ấn Độ đã xây dựng được thương hiệu gạo, Na Uy cũng có thương hiệu cá Hồi… Còn nước ta chưa có thương hiệu quốc gia nào về sản phẩm nông nghiệp.
Nguồn: Gdvn.net.vn