Trong khi xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, thì xuất khẩu sang các thị trường khác lại tăng rất mạnh, cụ thể: Xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 9,8%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%...

Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường này chiếm 40,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, vẫn thấp hơn tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vì vậy mức tăng mạnh từ các thị trường này vẫn chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu khả quan khi thị trường xuất khẩu truyền thống đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam là Trung Quốc đang giảm nhập khẩu mặt hàng này.

Thái Lan là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn, nhưng Thái Lan cũng được xem như là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả của Thái Lan rất lớn để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó Việt Nam là thị trường rau quả mà Thái Lan đang rất quan tâm.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, gần 50 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang thị trường Singapore từ cảng Hải Phòng trong tháng 6/2020. Năm 2020 là năm đầu tiên vải thiều có thương hiệu, được xử lý đóng gói qua kênh nhập khẩu chính thức của Tập đoàn bán lẻ FairPrice đã được đưa vào thị trường Singapore với quy mô lớn.
Việt Nam đã xuất khẩu thành công vải thiều sang Nhật Bản, kể cả lô vải thiều xuất khẩu bằng đường biển. Lô vải xuất khẩu bằng đường biển vẫn giữ được màu sắc tươi ngon, đảm bảo chất lượng. Việc xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới.
EU là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm 2020

 (Tính toán từ số liệu công bố ngày 13/7/2020 của TCHQ)

 

Thị trường

Tháng 6/2020 (Nghìn USD)

So với tháng 6/2019 (%)

6 tháng 2020 (Nghìn USD)

So với 6 tháng năm 2019 (%)

Tỷ trọng 6 tháng (%)

Năm 2020

Năm 2019

Tổng

257.253

-7,1

1.757.156

-13,6

100,0

100,0

Trung Quốc (Đại lục)

136.895

-23,2

1.043.848

-29,3

59,4

72,7

Hàn Quốc

14.369

45,8

81.703

25,5

4,6

3,2

Thái Lan

11.427

239,4

79.380

234,2

4,5

1,2

Mỹ

14.902

27,4

76.972

9,8

4,4

3,4

Nhật Bản

10.536

1,0

68.205

13,1

3,9

3,0

Đài Loan ( TQ)

11.629

88,3

42.989

86,8

2,4

1,1

Hà Lan

8.670

-0,7

42.664

7,0

2,4

2,0

Hồng-Kông (TQ)

8.791

-18,1

30.071

27,7

1,7

1,2

Nga

3.743

28,6

27.905

101,5

1,6

0,7

Australia

4.081

31,5

26.728

39,9

1,5

0,9

Thị trường khác

32.210

2,0

236.691

9,3

13,5

10,7

Nguồn: VITIC