Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2021 đạt trên 690.375 tấn, tương đương 253,99 triệu USD, giá trung bình 367,9 USD/tấn, tăng mạnh 58,3% về khối lượng và tăng 77,3% về kim ngạch, tăng 12% về giá so với 2 tháng đầu năm 2020.
Riêng tháng 2/2021 ước đạt 218.771 tấn, tương đương 79,87 triệu USD, giá trung bình 365 USD/tấn, giảm mạnh 54% cả về lượng và kim ngạch và giảm 1,2% về giá so với tháng 1/2021; so với tháng 2/2020 cũng giảm 3% về lượng nhưng tăng 12,6% kim ngạch và tăng 16,2% về giá.
Trong tháng 2/2021, riêng xuất khẩu sắn lát ước đạt 101.416 tấn, tương đương 25,8 triệu USD, giá trung bình 254,4 USD/tấn, giảm 39,9% về lượng, giảm 36,9% về kim ngạch nhưng tăng 5% về giá so với tháng 1/2021. Tính chung cả 2 tháng, xuất khẩu sắn lát đạt 270.298 tấn, tương đương 66,7 triệu USD, giá trung bình246,8 USD/tấn, tăng 71,8% về lượng, tăng 103,2% về kim ngạch và tăng 18,3% về giá so với 2 tháng đầu năm 2020.
Sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu hầu hết sang thị trường Trung Quốc chiếm 96% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 662.314 tấn, tương đương 241,93 triệu USD, tăng 64,6% về lượng và tăng 86% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, giá xuất khẩu sang thị trường này tăng 13%, đạt trung bình 365,3 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá sắn trong thời gian qua đang tăng do sản lượng giảm trong khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng. Nhiều khả năng giá sắn sẽ lên mức kỷ lục vào cuối vụ.
Đầu tháng 3/2021, giá sắn nguyên liệu trong nước tăng mạnh nên giá tinh bột sắn thành phẩm cũng được điều chỉnh tăng. Tại Tây Ninh, giá sắn nguyên liệu dao động 3.350 – 3.500 đồng/kg. Các nhà máy tinh bột sắn khu vực Tây Ninh tiếp tục điều chỉnh tăng giá tinh bột thành phẩm. Theo nhận định của các đơn vị thu mua, do năng suất sắn giảm dẫn đến sản lượng giảm, cộng với tình hình dịch Covid-19 khiến sắn từ Campuchia nhập khẩu về hạn chế, trong khi đó nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến đang ở mức cao khiến giá thu mua tăng cao.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam trong tình trạng thiếu nguyên liệu, cho dù vụ sản xuất 2020/21 theo thông lệ hàng năm còn kéo dài vài tháng nữa. Thời gian tới, giá có thể vẫn giữ ở mức cao như hiện tại vì nguồn cung sản lượng tinh bột sắn giảm mạnh.
Theo đánh giá của một số nhà máy, thời điểm cuối vụ 2020/21 và trước khi có sắn vụ mới 2021/22, giá sắn có thể tăng lên mức kỷ lục. Nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020/21 của Việt Nam rất thấp. Trong khi đó, giá tinh bột sắn và giá ngô tăng mạnh nên nhiều nhà máy Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền.
Giá chào bán sắn lát khô của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc hiện khoảng 270 USD/tấn (giá FOB cảng Quy Nhơn). Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá khoảng 520 - 550 USD/tấn (giá FOB TP Hồ Chí Minh) do giá thu mua nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn 2 tháng đầu năm 2021

(Tính toán từ số liệu công bố ngày 12/3/2021 của TCHQ)

Nguồn: VITIC