Thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng 3/2017 cả nước đã xuất khẩu 552,8 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt kim ngạch 131,7 triệu USD, tăng 26,5% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với tháng 2 – đây là tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp sau khi suy giảm tháng đầu năm - trong đó lượng sắn xuất khẩu 270 nghìn tấn, trị giá 45 triệu USD, tăng 41,9% về lượng và tăng 51,4% về trị giá. Tính từ đầu năm đến kết thúc quý I/2017, nâng lượng sắn và sản phẩm từ sắn lên 1,2 triệu tấn, trị giá 295,7 triệu USD, tăng 1% về lượng nhưng giảm 5,5% về trị giá so với quý I/2016, trong đó lượng sắn xuất khẩu 560 nghìn tấn, trị giá 90,6 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 12,8% về trị giá.
Trong số thị trường nhập khẩu sắn và sản phẩm của Việt Nam thì Trung Quốc là thị trường chủ lực, chiếm 90% tổng lượng sắn xuất khẩu, đạt 1,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 263,9 triệu USD,tăng 1,15% về lượng nhưng so với quý I/2016, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm 5,31%.
Thị trường lớn thứ hai sau Trung Quốc là Hàn Quốc, đạt 20,6 nghìn tấn, trị giá 4,7 triệu USD, tăng 1,34% về lượng và 9,4% về trị giá so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường Philippines, tăng 55,6% về lượng và 24,17% về trị giá, đạt tương ứng 19,8 nghìn tấn, trị giá 6,2 triệu USD – đây cũng là thị trường có lượng xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang thị trường Malaysia tuy chỉ đạt 18,4 nghìn tấn, trị giá 5,7 triệu USD, nhưng lại tăng mạnh vượt trội, tăng 81,03% về lượng và tăng 60,55% về trị giá, ngược lại xuất khẩu sang Nhật Bản giảm mạnh cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 94,23% và 90,10%, tương ứng với 2 nghìn tấn, trị giá 646,6 nghìn USD.
Nhìn chung, quý đầu năm nay xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tới các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng dương, số thị trường có lượng xuất khẩu tăng chiếm 83,3%.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, nguồn cung sắn niên vụ 2017-2018 sẽ tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng, do diện tích trồng sắn khu vực Tây Nguyên và Trung Nam Bộ giảm, thay vào đó là cây mía và cây ăn quả khác.
Hiện giá sắn củ tươi tiếp tục tăng về cuối vụ. Dự báo, xu thế tăng giá này sẽ còn tiếp diễn từ đầu tháng 4/2017 do nguồn cung nguyên liệu niên vụ cũ bị giảm. Do đó, giá tinh bột sắn xuất khẩu chính ngạch đang được các nhà máy chào bán twang cho hàng giao tháng 4/2017.
Tuy nhiên, nhu cầu mua từ phía thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm dần khi thời tiết chuyển sang mùa nóng. Thời tiết khu vực Tây Nguyên và Campuchia có mưa nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng sắn lát. Lượng hàng đưa về các kho cảng giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 4.000 tấn/ngày/khu vực.

Nguồn: VITIC/Nông nghiệp Việt Nam

 

Nguồn: Vinanet