Đúng như dự báo của VASEP, năm 2016, tổng giá trị XK tôm đạt 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.

XK tôm phục hồi trong năm 2016 nhờ giá tôm thế giới có xu hướng tăng, nhu cầu tăng từ các thị trường NK và sản lượng tôm thế giới, đặc biệt là tôm sú giảm trong khi tình hình tiền tệ thế giới bớt biến động.

Giá tôm nguyên liệu trong nước ổn định, giá tôm XK có xu hướng tăng, có lợi cho XK. Sản xuất tôm nguyên liệu trong nước năm 2016 vẫn gặp nhiều khó khăn từ thời tiết bất lợi, xâm nhập mặn, khan hiếm nguyên liệu và dịch bệnh tái xuất hiện. DN vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực từ thị trường XK như thuế chống bán phá giá đối với tôm NK vào thị trường Mỹ tăng cao, nhiều rào cản thương mại từ các thị trường như EU, Nhật Bản, Australia…Tuy nhiên, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ và đổi mới công nghệ, DN nỗ lực và vận động không ngừng nên ngành sản xuất và XK tôm Việt Nam vẫn ổn định và phục hồi tích cực trong năm 2016.

Năm 2016, XK tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 62,1% tổng XK tôm Việt Nam; tôm sú đứng thứ hai với 29,5% và tôm biển với 8,3%.

Tỷ trọng XK tôm chân trắng tăng từ 59% năm 2015 lên 62,1% năm 2016 góp phần khẳng định thực tế Việt Nam đang trên con đường trở thành cường quốc sản xuất tôm chân trắng trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng XK tôm sú giảm từ 32,6% năm 2015 xuống còn 29,5% năm 2016 không phải là điều được mong đợi.

Hiện nay, sản lượng tôm toàn cầu đạt khoảng trên 5,5 triệu tấn/năm, trong đó tôm sú chiếm khoảng 1,1 triệu tấn (20%). Điều đáng chú ý là trong số những quốc gia đang đóng góp vào 1,1 triệu tấn tôm sú, nhiều nước đang giảm mạnh sản lượng loại tôm này. Chẳng hạn trước đây, 40% sản lượng tôm của Indonesia là tôm sú, nay chỉ còn 20%; Ấn Độ cũng từng có 40% sản lượng là tôm sú, nay chỉ còn 15%… Các nước Nam Mỹ đã hầu như không còn nuôi tôm sú. Chính vì vậy, sự thiếu hụt nguồn cung tôm sú trên toàn cầu đang rất lớn.

Trong bối cảnh nguồn cung giảm, tôm sú lại đang ngày càng được ưa chuộng ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia. Việt Nam hiện đang là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới nên Việt Nam cần tận dụng lợi thế này để phát triển kim ngạch XK tôm sú đi các thị trường. Nuôi tôm sú tại Việt Nam cần phải được định hướng và có chiến lược để duy trì và tăng sản lượng XK.

Năm 2016, trong tổng XK tôm của Việt Nam, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) là sản phẩm XK chiếm giá trị cao nhất với trên 1 tỷ USD.

Trong năm này, giá trị XK các sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam tăng 12,4% so với năm 2015 đạt gần 2 tỷ USD trong khi XK các sản phẩm tôm sú giảm 3,4% đạt gần 931 triệu USD. XK tôm sú giảm có thể do vấn đề nguồn cung.

Năm 2016, Việt Nam XK sang 93 thị trường, giảm so với 95 thị trường so với năm 2015. Top 10 thị trường chính bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Canada, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Tính cả năm 2016, trong top 10 thị trường NK chính, XK sang 8 thị trường tăng trừ 2 thị trường Canada và Đài Loan giảm lần lượt 11,6% và 20,8% tuy nhiên 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ lần lượt là 3,9% và 1,6%.

Top 5 thị trường chính gồm Mỹ (chiếm tỷ trọng 22,5%), EU (chiếm 19,1%), Nhật Bản (19%), Trung Quốc (13,8%),  Hàn Quốc (9%). XK sang 5 thị trường này đều tăng trưởng khả quan. XK sang Trung Quốc tăng tốt nhất 24,3%; XK sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng lần lượt 7,9%; 9,4%; 2,7% và 13,6%.

Năm 2016, Mỹ vẫn là thị trường XK tôm lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 709 triệu USD, tăng 7,9% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 600,4 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU chiếm tỷ trọng 19% tổng XK tôm của Việt Nam, đạt gần 600 triệu USD; tăng 2,7% so với năm 2015.

Quý I/2017, XK tôm Việt Nam dự báo đạt khoảng  619 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2016.

XK tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%. Năm nay, XK tôm sang EU có thể sẽ khó khăn hơn sau khi bị siết chặt kiểm tra tôm NK, tuy nhiên DN có thể đẩy mạnh XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và duy trì ổn định tại thị trường Mỹ.

Nguồn: vasep.com.vn