Ngoài vài xáo trộn nhỏ về vị trí, danh sách 10 mẫu xe ôtô kém khách nhất tháng 1/2017 cũng đã xuất hiện thêm vài cái tên mới mẻ.

Kia Sportage, mẫu xe đa dụng 5 chỗ ngồi ra mắt thị trường Việt Nam cách đây chưa lâu. Tại thời điểm ra mắt hồi năm 2015, mẫu xe này từng được quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, việc rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài khi không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ đã khiến Thaco Kia quyết định dừng bán ra thị trường.

Tình cảnh cũng không khác nhiều là mẫu xe thể thao FT86 của Toyota. Ngay từ ban đầu, hãng xe Nhật Bản đã xác định vai trò của FT86 chỉ là làm thương hiệu, không chú trọng vào việc đóng góp doanh số. Tuy nhiên, việc mẫu xe này kén khách ngoài dự kiến cũng khiến Toyota Việt Nam buộc phải ngừng nhập khẩu để tập trung vào những mẫu xe còn lại.

Việc rút lui của Kia Sportage và Toyota FT86 đã góp phần giúp danh sách xe kém khách nhất thị trường có thêm “thành viên” mới.

Phân khúc ôtô bán tải đang rất sôi động và cuộc cạnh tranh giữa các mẫu xe, giữa các hãng xe cũng ngày càng khốc liệt. Cùng với vị trí dẫn đầu khó đánh bật của Ford Ranger là những cú tăng tốc mạnh của Nissan Navara hay Chevrolet Colorado. Mitsubishi Triton cũng dần trở lại là một lựa chọn tốt trên thị trường khi duy trì được mức giá bản lẻ thấp nhất phân khúc.

Thế nhưng, sự bảo thủ và công tác marketing có phần yếu kém của Isuzu đã khiến mẫu bán tải D-Max từng nhận được nhiều kỳ vọng bị rơi vào nhóm ế ẩm nhất thị trường. Đây là điểm đáng tiếc bởi trên thực tế, bản thân D-Max không đến nỗi thua kém các đối thủ đến mức bị rơi xuống đáy phân khúc.

Những cái tên còn lại trong danh sách 10 ôtô kém khách nhất thì cũng đã khá cũ. Dẫn đầu về sự ế ẩm trong tháng đầu năm nay là Mazda CX-9. Tuy nhiên, điều này cũng là dễ hiểu bởi mẫu xe này cũng rơi vào chung cảnh ngộ với Kia Sportage, một mẫu xe khác mang thương hiệu khác nhưng cùng do Thaco phân phối.

Mazda CX-9 không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ khi thiết kế không mới, trang bị công nghệ nghèo nàn trong khi giá bán lại khá cao. Bởi vậy, giai đoạn gần đây VinaMazda đã “tạm quên” CX-9 để tập trung vào các mẫu xe khác. Một chi tiết quan trọng và rất đáng chú ý là bản thân thương hiệu Nhật Bản và người tiêu dùng cũng đang chờ sự xuất hiện của CX-9 thế thệ hoàn toàn mới với sự lột xác về thiết kế và công nghệ. Chính điều này đã khiến CX-9 hiện tại không phải là một lựa chọn.

Nhóm xe còn lại, ngoài bộ đôi “truyền thống” là Mekong Pronto và Premio, hầu hết các mẫu xe khác đều có những sở trường và sở đoản riêng của mình.

Chẳng hạn, Mitsubishi Pajero là một mẫu xe địa hình thực thụ. Song do giá bán cao trong khi người tiêu dùng còn những lựa chọn tốt hơn nhiều như Toyota Land Prado hay Land Cruiser nên việc Mitsubishi khó bán Pajero là hoàn toàn dễ hiểu.

Hay như Honda Odyssey. Mẫu MPV cao cấp này luôn là một “ước ao” với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, nơi Odyssey ở lại là phân khúc kén khách khiến sản lượng bán hàng khó có thể cao hơn. Bản thân mẫu xe được xem như đối thủ là Kia Sedona sở hữu mức giá bán lẻ thấp hơn đến trên 700 triệu đồng và có nhiều phiên bản hơn cũng chỉ đạt mức sản lượng 85 chiếc trong tháng đầu năm nay.

Suzuki Grand Vitara và Mitsubishi Outlander Sport là 2 mẫu xe có nhiều tương đồng về… cảnh ngộ. Grand Vitara là cái tên xuất hiện sau mẫu xe “anh em” Vitara song lại chịu yếu thế trên thị trường.

Trong khi đó, sự xuất hiện của Outlander hoàn toàn mới hồi tháng 8/2016 đã đẩy Outlander Sport ra mắt thị trường chưa đầy 2 năm trước đó vào tình thế khó khăn. Dẫu sao, đây cũng là giai đoạn chuyển giao để các mẫu xe này có thể thay thế nhau trên thị trường khi về bản chất, chúng chỉ nên được coi là phiên bản khác.

10 ôtô kém khách nhất thị trường Việt Nam tháng1/2017

Nguồn: Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam

Stt

Mẫu xe

Thương hiệu

Sản lượng (chiếc) 1/2017

Năm 2017

1

CX-9

Mazda

0

0

2

Pajero

Mitsubishi

1

1

3

Grand Vitara

Suzuki

4

4

3

Outlander Sport

Mitsubishi

4

4

5

Odyssey

Honda

9

9

6

Pronto

Mekong

10

10

7

Ertiga

Suzuki

13

13

8

Premio

Mekong

16

16

9

D-Max

Isuzu

20

20

10

Accord

Honda

22

22

Nguồn:  vneconomy.vn