Là một người đam mê đồ chơi với bộ sưu tập đồ sộ hơn 1.500 siêu anh hùng và nhiều nhân vật khác, ông Nguyễn Tú - Giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam - đã ấp ủ và nung nấu ý tưởng thiết kế, sản xuất dòng đồ chơi mô hình của riêng mình từ hơn 5 năm qua.
Chia sẻ với báo chí, ông Tú cho hay: “Tôi muốn đưa những thiết kế nhân vật dân gian và lịch sử Việt Nam do bản thân và sinh viên của tôi thiết kế ra khỏi bản vẽ, trở nên sống động hơn qua những mô hình thật".
Tuy nhiên, thật khó tìm được đơn vị chế tác tại Việt Nam có thể tạo ra mô hình đồ chơi nhỏ đi cùng nhiều chi tiết chất lượng cao. Ông đã mất 2 năm tìm kiếm đơn vị chế tác và thử mẫu.

Ngựa hồng mao được sản xuất rất kỳ công, tỷ mỉ
“Chỉ đến gần đây, khi một đơn vị chuyên gia công hàng xuất khẩu sang Nhật Bản tại Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) mạnh dạn đầu tư dây chuyền có đủ khả năng chế tác những mặt hàng đòi hỏi sự tỷ mỉ và chính xác cao, tôi mới có thể cho ra mắt bộ đồ chơi đầu tiên với tên gọi Sơn Tinh - Thủy Tinh” - ông Tú cho biết.
Bộ đồ chơi Sơn Tinh- Thủy Tinh thuộc dòng sản phẩm Vạn Tích gồm năm nhân vật: Vua Hùng, Mị Châu, Sơn Tinh, Thủy Tinh và ngựa chín hồng mao được đóng gói kèm với một cuốn truyện tranh song ngữ và trò chơi đổ xí ngầu vượt địa hình.
Ông Nguyễn Tú cũng là Giám đốc điều hành Công ty Vinamation - doanh nghiệp chuyên làm hiệu ứng cho các bộ phim Hollywood đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Công ty này đã tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Trường RMIT Việt Nam vào làm hiệu ứng phim cho Vinamation. Dòng sản phẩm Vạn Tích cũng có sự góp sức của 6 cựu sinh viên của ngôi trường này.
Được biết, sinh viên học môn chế tác đồ chơi của ông cũng đã tạo được dấu ấn với bộ cờ làm bằng máy in 3D với tên gọi “Huyền thoại” tại cuộc thi Cảm quan Việt Nam (Senses of Vietnam) vào cuối năm 2016.
Nguồn: baocongthuong.com.vn