Dư luận vẫn chưa hết xôn xao vụ việc Cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam nhóm lãnh đạo Công ty cổ phần địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo trong các dự án bất động sản mà công ty này tự vẽ ra để bán cho khách hàng.
Theo kết quả điều tra, xác minh ban đầu, đã có 6.700 người chuyển tiền cho Công ty Alibaba để mua đất nền tại 40 dự án do Công ty này tự vẽ ra với số tiền lên tới 2.500 tỉ đồng.Sự kiện này một lần nữa tiếp tục cảnh báo tình trạng đầu tư tràn lan hưởng lợi nhuận cao theo tâm lý đám đông; tình trạng buông lỏng quản lý đất đai ở địa phương và sự thiếu minh bạch của thị trường bất động sản với những kẽ hở pháp lý chưa được khắc phục.
Nếu hành vi lừa đảo được chứng minh rõ ràng, thì những khách hàng này đã quá dễ dãi đầu tư vào “dự án ma” tìm kiếm lợi nhuận cao; dễ dãi trao gửi niềm tin vào mức lãi “khủng” mà Alibaba hứa hẹn thuê lại, dù không biết nguồn tiền ấy công ty này làm gì ra trong một thời gian ngắn.
Những thông tin nhan nhản về “gửi tiền hưởng lãi suất cao” của làn sóng tín dụng “đen”; những chào mời hấp dẫn hứa hẹn lợi nhuận cao ngất của hệ thống bán hàng đa cấp vẫn chưa đủ “thấm” với hầu hết những người giống như khách hàng của Alibaba thời gian qua.
Những cơn lốc vỡ nợ vì hụi họ, bán hàng đa cấp đã khiến bao gia đình tan nát; bao người phải bỏ xứ mà đi; khiến những người thân bỗng chốc trở thành lừa đảo hàng ngày được báo chí đưa tin, dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh hàng ngàn người “ném tiền” vào những dự án bất động sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ như của Alibaba.
Những lời quảng cáo đường mật, những băng rôn, áp phích treo khắp nơi, những chiêu thức chào bán đất đai rầm rộ ngay trên địa bàn có dự án của Alibaba dường như chỉ thu hút người dân, nhưng lại không đủ mạnh để thu hút sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương?
Vì thế kiểu bán hàng đa cấp của Alibaba vẫn như một ma lực cuốn hút “làn sóng đầu tư” của gần 7.000 người đã tung hoành khắp ba tỉnh miền Đông Nam bộ trong suốt nhiều năm qua.
Nếu các cá nhân điều hành Công ty Alibaba bị buộc tội lừa đảo, thì ngoài hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, họ còn phải có trách nhiệm trả lại tiền khách hàng. Cái lý là như vậy, nhưng đi tù rồi, thì chuyện trả tiền để thi hành bản án chẳng dễ chút nào, nếu không muốn nói sẽ có nhiều khách hàng “đền được vạ má đã sưng”; hoặc phải chấp nhận trắng tay.
Cách làm của Alibaba là mua đất nông nghiệp, tự vẽ ra dự án, rồi phân lô bán nền. Chỉ đến khi vỡ lở, khách hàng mới nhận ra sự mù mờ về quy hoạch và thông tin dự án, giống như hàng loạt tranh chấp chung cư ở các thành phố lớn thời gian gần đây.
Sức hấp dẫn của lợi nhuận thông qua đồn đại, rỉ tai, nửa kín nửa hở đã khiến hàng ngàn người theo tâm lý đám đông, đổ xô vào mua bán đất đai mà không hề nghĩ tới hậu quả.
Trong số 40 dự án của Alibaba mua đất nông nghiệp, nhiều diện tích đã được Alibaba đầu tư hạ tầng khá bài bản để tạo lòng tin cho khách hàng, vậy mà chính quyền địa phương với nhiều ban ngành chức năng lại không biết?
Phải chăng nhiều cán bộ có trách nhiệm đã được “bôi trơn” để làm ngơ cho Alibaba tung hoành, đưa máy móc, thiết bị, tiến hành san lấp mặt bằng, làm đường, phân lô, quảng cáo?
Phải chăng, những “khe hở” của pháp luật kinh doanh bất động sản chỉ có các doanh nghiệp trong lĩnh vực này biết để “lách”, còn những cơ quan có trách nhiệm các cấp lại dường như không nắm được gì?
Thời gian qua hầu như địa phương nào cũng phải xử lý nhiều vụ việc mua bán, sang nhượng đất đai có dấu hiệu lừa đảo gây thiệt hại lớn cho nhà nước và xã hội mà nguyên nhân đều bắt đầu từ sự tiếp tay của cán bộ có chức có quyền trong quản lý đất đai.
Xin được nhắc lại rằng: 6700 khách hàng đã giao 2500 tỉ đồng cho Công ty Alibaba để mua đất nền trong 40 dự án “ma” mới chỉ là điều tra ban đầu. Vẫn sẽ còn những vụ án có dấu hiệu lừa đảo tương tự nếu như mọi người không được cảnh báo sớm; nếu như những lỗ hổng pháp lý hướng tới thị trường bất động sản minh bạch chưa được lấp đầy và nếu như công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch của chính quyền các cấp còn bị buông lơi.
Nguồn: VOV