“Đột nhập” trang trại gần 3 ha của anh Nguyễn Thành Nam tại Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội, chúng tôi tận mắt chiêm ngưỡng những loài gia cầm, thủy cầm cực độc đáo, hiếm có ở Việt Nam. Tất cả đều được anh Nam nhập khẩu trực tiếp từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Châu Âu.

Anh Nam khẳng định: “Hiện nay, trang trại của tôi có khoảng 30 loài gia cầm, thủy cầm độc đáo.”
Cận cảnh đôi Thiên Nga đen được nuôi tại trang trại của anh Nam ở Thanh Trì (Ảnh: NVCC)
Hiện, trang trại của anh Nam có cả thiên nga trắng và đen, chúng có nguồn gốc từ châu Âu. Thiên nga trắng sở hữu bộ lông mượt, dày với màu trắng tinh phủ kín. Đây cũng là giống có giá trị thương mại cao nhất trong trang trại của anh Thành Nam. Mỗi cặp thiên nga trưởng thành lên đến 50 triệu đồng. Thiên nga đen tuy ít hơn nhưng cũng có giá 40 triệu đồng/cặp.
Nuôi thiên nga không quá khó, chúng chỉ cần ăn cám, ngô, bèo, các loại rau như loài thủy cầm khác, tuy nhiên, đến thời điểm này đây vẫn là giống hiếm gặp ở nước ta.
Để đảm bảo môi trường phát triển tốt nhất cho thiên nga, anh Nam cho đào nhiều ao lớn, vừa nuôi cá, vừa có không gian cho thiên nga bơi lội (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh thiên nga, một loài thủy cầm không kém phần nổi bật tại trang trại của anh Nam là giống vịt uyên ương sặc sỡ, chúng được phủ bộ lông vũ bóng mượt, rất nhiều màu sắc bắt mắt. Đặc biệt, trang trại của anh Nam còn sở hữu loại vịt uyên ương trắng muốt, hiếm nơi nào có được.
Cả vườn chim công, chim trĩ bảy màu để chơi cảnh.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chủ trang trại gia cầm, thủy cầm quý hiếm cho hay, nuôi vịt uyên ương không quá khó nhưng đem lại giá trị thương mại rất lớn. Vịt uyên ương giống màu có giá từ 1 triệu đồng/con, vịt trắng từ 1,2 triệu đồng/con.
Nếu khách mua vịt uyên ương trưởng thành, loại vịt màu có giá từ 4 triệu đồng/con, vịt trắng đắt hơn giá 5 triệu đồng/con. Không cần thả ao rộng như thiên nga, vịt uyên ương chỉ cần xây bể nước nhỏ để chúng tắm và có thể chơi đùa trên cạn.
Vịt uyên ương tuy nhỏ, thấp nhưng vẻ bề ngoài khá bầu bĩnh, rất thích mắt (Ảnh: Kim Cúc)
Sinh năm 1986 nhưng anh Nam đã có 12 năm chơi chim cảnh, hầu hết những giống lạ hiếm anh đều biết. Trước đó, anh Nam tốt nghiệp khoa thương mại quốc tế trường đại học Ngoại Thương, thế nhưng sau một vài năm làm tại ngân hàng và cả công ty lớn anh đều bỏ ngang. Cũng vì thú vui với loài này mà anh quyết định theo nông nghiệp.
Giống nhiều nhất ở khu vườn của anh tại Thanh Trì, Hà Nội là giống chim trĩ. Đặc biệt là giống trĩ bảy màu có đuôi dài vô cùng ấn tượng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Một con chim trống trưởng thành có chiều dài từ 80cm – 100cm, trong đó riêng bộ đuôi đã chiếm tư 50cm – 70cm. Con đực có lông đỉnh đầu màu vàng, phần ức màu đỏ tươi, dải lông pha nhiều màu nào là xanh đá, vàng tơ rất ấn tượng. Phần đuôi dài chủ yếu là màu hạt dẻ, chân của chúng nhỏ, màu vàng. Chim mái thì nhỏ và ngắn hơn, lông cũng không được sặc sỡ như chim trống.
Chim trĩ đỏ không chỉ đẹp mà khá dễ nuôi, chính vì vậy, nó được ưa chuộng để các ngôi nhà có diện tích nhỏ nuôi làm cảnh
Qua nhiều năm nuôi các giống gia cầm, thủy cầm nhập khẩu, anh Nam cho biết hầu hết chúng có sức đề kháng rất tốt, ít bệnh tật và đặc biệt rất dễ thích nghi và ăn uống đơn giản. Loài chim trĩ vẫn ăn cám chim bình thường, thêm ít rau xanh, thóc, cám hoặc giun đất là chim phát triển tốt.
Chim trĩ đỏ Nhật Bản hiện có giá bán từ 900.000 đồng/con đối với con giống và từ 4 triệu đồng/con đối với chim bố mẹ. Ngoài ra, anh Nam còn nuôi thêm chim trĩ xanh Nhật Bản, chim trĩ hoàng đế từ Vân Nam – Trung Quốc cũng rất được ưa chuộng.
Vẫn chưa hết ấn tượng, anh Nam còn là chủ nhân của nhiều chú chim công xanh vô cùng sặc sỡ. Chim công còn có tên gọi khác là chim Khổng Tước, loài chim của giới quý tộc. Chim công xanh có nguồn gốc từ quốc gia phật giáo Ấn Độ, chúng có bộ lông dài, óng mượt. Một con Công xanh trưởng thành có thể dài đến 2,1 m với chim trống. Khi đạt từ 3 đến 5 năm tuổi, đuôi của chúng có thể lên đến 1,5 m và nặng từ 8 – 12 kg/con.
Bộ lông đuôi lấp lánh những hạt cườm là giá trị lớn nhật của một chú chim công xanh, loại này thường được nuôi ở các khu sinh thái, vườn thú với không gian lớn (Ảnh : Kim Cúc)
Hiện nay, chim công xanh giống có giá từ 800 ngàn/con, chim công bố mẹ có giá từ 5 triệu/con. Loài chim này chưa phổ biến ở Việt Nam nên giá thành vẫn khá cao.
Mỗi loài chim cảnh, thủy cầm anh Nguyễn Thành Nam nhập khẩu, nuôi dưỡng đều vô cùng độc lạ, mới mẻ. Chính vì thế, dù phải chi số tiền lên đến vài chục triệu, nhiều đại gia vẫn không tiếc để có được chim quý về chơi. Theo anh Nam, loài này được khách mua rải rác quanh năm, vì giá trị lớn nên dịp Tết có tăng nhưng không biến động nhiều so với ngày thường. Tuy nhiên, người Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn tới những giống chim quý nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới.
Nguồn: Kim Cúc/Dân Việt