Dấu ấn du lịch Đà Nẵng

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, sau đó là Kết luận 75-KL/TW, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, được xem là thành phố đáng sống, là hình ảnh một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.
Đáng chú ý, Đà Nẵng đã ghi dấu trên bản đồ du lịch, không phải chỉ trên dải đất hình chữ S mà vươn tầm châu lục.
Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành theo hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” đã mang tới hiệu quả rõ rệt. Trong đó, ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng bền vững và trở thành trung tâm dịch vụ lớn của miền Trung.
Cụ thể, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 46,7% năm 2003 lên 57,9% năm 2018, công nghiệp - xây dựng giảm từ 34,6% xuống 28,5% và nông nghiệp giảm từ 3,6% xuống 1,6%.
Giai đoạn 2003-2018, giá trị sản xuất dịch vụ tăng 11,1%/năm (2003-2008 tăng 16%/năm; 2003-2013 tăng 11,6%/năm). Khu vực dịch vụ chiếm 55,05% trong cơ cấu GRDP của thành phố, hấp thụ hơn 64,1% lao động làm việc trong nền kinh tế.
Đặc biệt, du lịch đang ngày càng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu mang tầm quốc gia và khu vực, có khả năng cạnh tranh quốc tế…
Đơn cử, Đà Nẵng lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng 10 điểm tốt nhất để sống và đầu tư trên thế giới năm 2018 của trang web du lịch danh tiếng International Living, cùng với Italia, Slovenia và Indonesia. Thành phố Đà Nẵng đứng thứ 10, sau đảo Bali của Indonesia.
Đà Nẵng nổi tiếng với bãi biển đẹp, đồ ăn ngon và con người thân thiện. Ngoài ra, thành phố có nhiều công trình kiến trúc nổi bật và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Cầu Vàng ở Bà Nà, khánh thành trong năm ngoái, được Tạp chí Time đưa vào danh sách "100 điểm đến tuyệt nhất thế giới 2018".
Tạp chí du lịch danh tiếng Live and Invest Overseas (LIO) năm 2018 cũng đánh giá Đà Nẵng lọt top 10 thành phố nước ngoài đáng sống trên thế giới.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng: 15 năm qua, du lịch Đà Nẵng đã có bước phát triển khá tốt, bình quân một năm khách quốc tế tăng 20%, một nỗ lực rất lớn.
Nói về nguyên nhân làm nên thành công, ông Vinh cho hay: Thứ nhất là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thứ hai là xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Thứ ba, Đà Nẵng đã thu hút được nhà đầu tư chiến lược, xây dựng được các khu du lịch mới, các sản phẩm du lịch mới. Thứ tư, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến an toàn, người dân Đà Nẵng thì thân thiện.
Thành phố đáng sống Việt Nam: Ghi dấu trên bản đồ châu lục
Đà Nẵng lung linh trong đêm.

Du lịch Đà Nẵng thay đổi về chất

Dù có bước tiến ngoạn mục, nhưng lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch của Đà Nẵng chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao, hiện đại và khác biệt; giá trị gia tăng thấp và chưa tạo được sự kết nối, lan tỏa cho các khu vực kinh tế khác cũng như các vùng lân cận của thành phố.
Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận hiện nay du lịch Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều vấn đề. Chẳng hạn, có dấu hiệu số lượng các cơ sở lưu trú tăng mạnh thì một số điểm du lịch, một số đường giao thông đã có dấu hiệu quá tải về kẹt xe, quá tải về đậu đỗ xe, về xử lý chất thải. Đây là những thách thức trong giai đoạn mới. Một vấn đề thách thức nữa là khi lượng quốc tế tăng 20% mỗi năm thì đặt ra một vấn đề về nguồn nhân lực. Trong thời kỳ mới này nguồn nhân lực phải có chất lượng cao, phải có kỹ năng mềm. Bởi Đà Nẵng xác định là điểm đến không những chỉ tầm quốc gia mà phải là khu vực Đông Nam Á và thế giới theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
Thực tế, Nghị quyết 43/NQ-TW đã đặt ra một mục tiêu mới trong phát triển của Đà Nẵng, trong đó có du lịch.
Theo đó, Nghị quyết mới xác định rõ ràng 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố: Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghĩ dưỡng (không phải du lịch nói chung). Riêng lĩnh vực du lịch, nghị quyết nêu rõ phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghĩ dưỡng (không phải du lịch nói chung).
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Chúng ta đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển.
“Về du lịch, thì ngoài du lịch thông thường thì cần phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế”, ông Nguyễn Văn Bình lưu ý.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phát triển nhưng phải đảm bảo thương hiệu của điểm đến”, ông Ngô Quang Vinh chia sẻ: Đà Nẵng sẽ tiếp tục làm tốt công tác an toàn, an ninh, môi trường và người dân thân thiện. Chính những điều đó đã mang lại thương hiệu cho Đà Nẵng trong những năm vừa qua, là “Thành phố đáng sống”.
Ngoài ra, Đà Nẵng phải chuyển sang thời kỳ mới là đi sâu vào chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là tăng hiệu suất lao động, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố.
“Hội nhập nhưng Đà Nẵng phải có bản sắc riêng của mình. Chúng ta có thể học Thái Lan, học Singapore nhưng tôi nghĩ trong những năm qua, Đà Nẵng có thương hiệu riêng của mình. Đó là thành phố năng động hiện đại và đã được bình chọn là điểm đến, lễ hội hàng đầu châu Á”, ông Ngô Quang Vinh nhấn mạnh.
 Nguồn: VietnamNet