Sau khi ký kết, thỏa thuận sẽ được các quốc gia thành viên phê chuẩn theo các quy định của pháp luật từng nước.

Với thỏa thuận trên, châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khối AFCFTA có thể tạo ra một thị trường châu Phi 1,2 tỷ người với GDP 2,5 ngàn tỷ USD.

Theo đó, các nước thành viên AfCFTA cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai. Tổng thống nước chủ nhà Rwanda, ông Paul Kagame phát biểu trước khi các quốc gia bắt đầu ký kết thỏa thuận: "Một khu vực tự do thương mại hứa hẹn sẽ mang lại thịnh vượng cho các quốc gia châu Phi. Chúng tôi luôn ưu tiên cho những mặt hàng và các loại hình dịch vụ chất lượng cao được sản xuất tại lục địa. Những lợi thế mà chúng ta có được từ việc thành lập một thị trường châu Phi hợp nhất sẽ có lợi cho nhiều thương vụ của chúng ta với các đối tác trên toàn thế giới".

AU ước tính trao đổi thương mại trong khối sẽ tăng gần 60% từ nay đến năm 2022. AFCFTA sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 180 ngày, sau khi có ít nhất 22 quốc gia ký kết phê chuẩn.

Theo các lãnh đạo AU, AFCFTA được xây dựng nhằm tạo ra một thị trường duy nhất tại châu Phi cho hàng hóa và dịch vụ với sự tự do lưu chuyển của dòng vốn đầu tư và kinh doanh. Theo AU, việc này sẽ mở đường thúc đẩy cho việc thành lập Liên minh hải quan vào năm 2022 và Cộng đồng kinh tế châu Phi vào năm 2028.

Việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do là một trong những dự án trọng điểm của Lịch trình 2063 của Liên minh châu Phi trong đó vạch ra tầm nhìn mới về phát triển lục địa cho 5 thập kỉ tiếp theo dựa trên sự tăng trưởng cho mọi người và sự phát triển bền vững. Khu vực tự do mậu dịch này thống nhất các FTA khu vực khác của châu Phi bao gồm thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (CAE), Cộng đồng phát triển miền Nam Châu Phi (SADC), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Trung Phi (CEEAC), Cộng đồng kinh té các quốc gia Tây Phi (CEDEAO), Liên minh Maghreb Ả rập và Cộng đồng các quốc gia nằm trên bờ và trong sa mạc Sahara.

Tuy nhiên, một số quốc gia đã không ký kết Hiệp định này trong đó có Nigeria (nền kinh tế hàng đầu của châu Phi), Benin, Namibia, Burundi, Érythrée và Sierra Leone. Theo ông Albert Muchanga, ủy viên Liên minh Châu Phi phụ trách thương mại và công nghiệp, “Một số nước vẫn còn dè dặt và chưa hoàn thành việc tham vấn ở trong nước. Nhưng chúng tôi vẫn còn một hội nghị thượng đỉnh tại Mauritania vào tháng 7 năm nay. Hi vọng các quốc gia còn lại sẽ ký Hiệp định này”.

Một số ý kiến cho rằng chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém và sự thiếu tính bổ sung giữa các nền kinh tế châu Phi là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển thương mại bên trong châu lục. Giao dịch thương mại trong nội bộ các nước châu Phi chỉ chiếm khoảng 16% tổng giao dịch thương mại của lục địa. Con số này rất khá thấp nếu so sánh với tỷ lệ 70% ở các quốc gia châu Âu, 52% tại châu Á và 50% ở Bắc Mỹ. Ngoài ra, tỷ trọng của châu Phi trong thương mại thế giới vẫn còn rất nhỏ, chỉ chiếm 2%.

Hội đồng Kinh tế AU ước tính thỏa thuận thành lập AFCFTA sẽ tăng gấp đôi lượng giao dịch thương mại nội lục địa.

Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri (KIêm nhiệm Ma-li, Xê-nê-gan, Xa-ra-uy, Ni-giê, Găm-bi-a)

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương