Siết hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối

Đầu tháng 3/2017, Bộ Công Thương đã thông qua hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (NK) đối với mặt hàng muối công nghiệp là 102.000 tấn. Theo đó, từ ngày 1/7 các doanh nghiệp được phép NK muối theo lượng hạn ngạch này.

 Là đơn vị kiểm soát hạn ngạch NK đối với mặt hàng muối, ông Nguyễn Văn Thanh giải thích, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước đều buộc phải mở cửa thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam đã đàm phán để giành được quyền bảo hộ đối với một số mặt hàng trong nước như muối, trứng, đường và thuốc lá nhưng đổi lại, mỗi năm chúng ta cũng phải cấp hạn ngạch NK một lượng sản phẩm nhất định đối với những mặt hàng được bảo hộ. Đại diện một công ty sản xuất hóa chất tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, muối trong nước chủ yếu là muối ăn, trong khi doanh nghiệp (DN) nhập muối công nghiệp được tinh chế từ muối thô để làm nguyên liệu chính sản xuất hóa chất cơ bản như xút, sô đa… phục vụ ngành y tế, công nghiệp hóa chất. Ngành muối trong nước sản xuất thủ công, chất lượng thấp nên cung cấp không đủ nhu cầu muối công nghiệp cho các DN hóa chất. Thậm chí, các DN phải nhập muối ngoài hạn ngạch thuế quan với thuế suất rất cao là 50%.

Mặc dù nhu cầu nhập muối công nghiệp rất lớn, nhưng theo ông Thanh, vẫn phải siết hạn ngạch thuế quan NK muối để không gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất muối trong nước. “Hạn ngạch NK muối là 102.000 tấn, nhưng thực tế, số lượng muối được cấp phép NK có thể thấp hơn nhiều so với hạn ngạch (dự kiến chỉ 40% - khoảng 40.000 tấn) nhằm khuyến khích DN đẩy mạnh thu mua muối trong nước và đây là mức siết thấp nhất rồi”- ông Thanh khẳng định.

Số liệu của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) cho biết, tính đến cuối tháng 2/2017, cả nước có 9.634ha sản xuất muối thủ công và 4.313ha muối công nghiệp. Lượng muối thủ công đạt 2.580 tấn, còn muối công nghiệp đạt 11.129 tấn. Tổng lượng muối tồn trong các DN là 395.007 tấn. Mặc dù vậy, nhiều DN sản xuất hóa chất, thuốc y tế vẫn phải trông đợi vào nguồn muối nhập ở nước ngoài.

Giải pháp trong dài hạn

Nhiều DN sử dụng muối công nghiệp mong muốn có nguồn cung muối ổn định về số lượng và chất lượng từ thị trường trong nước chứ không phải là cấp hạn ngạch NK. Nhưng thực tế, muối trong nước chất lượng kém, “DN đã mất công xử lý tạp chất để ra được muối tinh khiết, nhưng chi phí còn đắt hơn là muối NK. Trong khi đó, nếu sử dụng công nghệ ion để có hàm lượng NaCl (thành phần chính trong muối ăn) có thể đạt 99%, tạp chất ít thì chi phí rất đắt”- đại diện một DN chia sẻ.

Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có chính sách xây dựng vùng nguyên liệu muối chất lượng cao, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, thúc đẩy lượng muối tiêu thụ trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong quan điểm điều hành hạn ngạch thuế quan muối NK cũng nên cân nhắc giữa quyền lợi và lợi ích của DN với người làm muối. Thực tế, nếu không cho nhập muối công nghiệp thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất hóa chất. Vì thế, thời gian tới, ngành muối cần có những giải pháp quyết liệt đối với mặt hàng muối công nghiệp.

Theo Cục Hóa chất, mấu chốt để giải quyết vấn đề là Bộ NN&PTNT cần sớm triển khai ý tưởng xây dựng cơ sở sản xuất muối chất lượng cao. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ dự án muối mỏ tại Lào để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu muối chất lượng cao cho sản xuất trong nước, góp phần kiềm chế nhập siêu, giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao tại Việt Nam.

Thông tư về việc phân giao hạn ngạch thuế quan NK muối có hiệu lực từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/12/2017. Thời điểm giao hạn ngạch thuế quan NK muối thực hiện theo đề nghị của Bộ NN &PTNT để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ công thương/Báo Công thương