Theo nội dung Chương trình phối hợp, công tác phối hợp giữa hai Bộ phải đảm bảo tính chủ động, kịp thời; phản ứng nhanh, kiên quyết đấu tranh với những vụ việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

Theo Biên bản, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm: a) Chủ động thông báo cập nhật cho Bộ Công Thương quy định về danh mục hóa chất cấm, hóa chất hạn chế sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; kịp thời thông tin về các vụ việc hoặc nguy cơ lam dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và đề xuất với Bộ Công Thương cập nhật “Danh mục hóa chất kiểm soát đặc biệt”; b) Chủ động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không lạm dung hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đào tạo, tập huấn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản về việc sử dụng hóa chất an toàn và ứng phó sự cố khẩn cấp về hóa chất trong lĩnh vực quản lý của ngành nông nghiệp; d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra nhằm ngăn chặn việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. 

Trách nhiệm của Bộ Công Thương bao gồm: a) Chủ động thông báo cập nhật cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất công nghiệp có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; b) Đưa một số loại hóa chất công nghiệp đang bị lạm dụng phổ biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản vào “Danh mục hóa chất kiểm soát đặc biệt” theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý có hiệu quả các hóa chất thuộc “Danh mục hóa chất kiểm soát đặc biệt” trong suốt vòng đời tồn tại của chúng; c) Chủ động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, đặc biệt là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn hóa chất và kinh doanh, sử dụng hóa chất đúng mục đích; d) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về sử dụng hóa chất và ứng phó sự cố khẩn cấp về hóa chất trong lĩnh vực quản lý của ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cảm ơn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp chặt chẽ và xử lý hiệu quả để hai Bộ có thể sớm ký kết Chương trình phối hợp. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mối quan hệ gắn bó giữa hai Bộ đã có từ lâu, tuy nhiên, thời gian tới càng cần có sự phối hợp chặt chẽ, dài lâu hơn nữa. Bản thân Bộ trưởng đã nghiên cứu rất kỹ và hoàn toàn thống nhất với các nội dung của Chương trình phối hợp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hy vọng các nội dung này sẽ sớm được triển khai một cách có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị thuộc hai Bộ trong việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo hai Bộ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc ký kết là bước tiến quan trọng thể hiện quyết tâm cao của hai Bộ nhằm hiện thực hóa các quy định thành khung khổ pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian trước, Bộ trưởng Cao Đức Phát và nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã từng đại diện hai Bộ ký kết các chương trình hợp tác. Tiếp nối sự phối hợp đó, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong điều kiện và hoàn cảnh mới, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản có chất lượng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rất vui mừng vì ngày hôm nay hai Bộ đã tiến tới ký kết Chương trình phối hợp nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các hóa chất lưỡng dụng trong sản xuất công nghiệp và trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc chức năng, phạm vi quản lý nhà nước của hai Bộ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng đây là hình thức hợp tác hiệu quả, mở ra những quan hệ hợp tác giữa hai Bộ cũng như các Bộ, ngành khác để các Bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ chức năng của mình, đáp ứng các yêu cầu chung cũng như yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể.

Tại Lễ ký, đại diện hai Bộ đã thống nhất định kỳ 6 tháng/lần, hai Bên tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả phối hợp, bổ sung nội dung phối hợp cho phù hợp với tình hình thực tế; giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) là đơn vị thường trực theo dõi, tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo hai Bộ trong việc thực hiện Chương trình phối hợp. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương