Trong suốt quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, Đảng ta luôn xác định thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Từ trước đến nay và trong giai đoạn tới, công tác thông tin tuyên tryền về hội nhập kinh tế quốc tế có vai trò quan trọng và phải liên tục được đẩy mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, trong những năm qua, các Bộ, ngành và các cơ quan truyền thông đã tích cực triển khai công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động thông tin tuyên truyền luôn theo sát các định hướng của Đảng và Chính phủ, nội dung cập nhật, phong phú, kịp thời phản ảnh tình hình hội nhập trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Lễ ký, Phó Trưởng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thực tế, những chủ trương lớn của Đảng về hội nhập, phát triển bền vững, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành tiền đề cho sự phát triển đất nước. Thời gian qua, vai trò truyền thông góp phần quan trọng định hướng nhận thức cho các tầng lớp nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đồng thời cũng định hướng cho các cơ quan quản lý nhà nước đã có nền tảng vững chắc và đem lại hiệu quả tích cực.

Về quan điểm, chủ trương, Bộ Chính trị cũng như Trung ương Đảng đều đặn ban hành các Nghị quyết khẳng định vai trò quan trọng của tư tưởng, tuyên truyền, từ Nghị quyết 07 năm 2011, Nghị quyết 22 năm 2013 và gần đây nhất là Nghị quyết 06 ngày 5 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Bộ Chính trị đã nhấn mạnh “Tăng cường công tác tư tưởng, nâgn cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói tiêng và hội nhập quốc tế nói chung” một cách có hiệu quả trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi trong thời gian vừa qua nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan truyền thông nói chung và đặc biệt là các cơ quan có vai trò quan trọng như Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ… Chúng tôi cho rằng các bước đi về hội nhập thời gian qua, Bộ Công Thương đã thể hiện tốt vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực này và đã luôn có sự gắn bó chặt chẽ của các cơ quan truyền thông". Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian tới cần có sự đánh giá công tác này để chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan truyền thông phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian tới, tiến trình hội nhập quốc tế dự kiến sẽ có những thay đổi mạnh mẽ, đồi hỏi công tác thông tin tuyên truyền phải có sự đổi mới để đáp ứng được yêu cầu.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Theo đó, triển khai hội nhập toàn diện với hội nhập kinh tế là trọng tâm.

Thứ hai, Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ hội nhập mới với những điểm nổi bật như: WTO tiếp tục thúc đẩy hội nhập đa phương thông qua việc triển khai gói cam kết Bali, APEC đang tham vọng hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN đã thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN… và đặc biệt là một loạt các FTA mà Việt Nam đã ký kết sẽ có hiệu lực…

Thứ ba, Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hội nhập kinh tế trong nước như thực thi cam kết, cải cách thể chế tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng tối đa cơ hội của của hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Trưởng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kỳ vọng, việc ký kết giữa Ban chỉ đạo với đại diện các cơ quan truyền thông ngày hôm nay sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực từ hai phía cơ quan quản lý nhà nước với truyền thông, xã hội góp phần tác động đến nhận thức, đưa cộng đồng doanh nghiệp và người dân trở thành những chủ thể của quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế.

Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương