Sáng 25/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương, đây là một dịp để nhìn lại những cố gắng, nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong những năm vừa qua, đồng thời tiếp nhận thêm những ý kiến đóng góp từ các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp (DN), cá nhân để Bộ Công Thương hoàn thiện hơn nữa công tác đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, DN; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, theo tin tức trên báo Điện tử Chính phủ.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017 là năm bản lề của không chỉ ngành công thương mà còn trên toàn quốc trong công tác cải cách TTHC, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các DN. Đây là chủ trương xuyên suốt từ lãnh đạo Chính phủ lan rộng ra đến toàn ngành.

Viết chú thích ảnh ở đây.Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thu Hương

Ngành công thương trong năm 2017 đã có những bước tiến trong công tác cải cách TTHC. Trong năm này, Bộ đã ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính với mục tiêu chưa từng có là đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính trên tổng số 453 TTHC của ngành, tại 17 lĩnh vực, 40 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 9 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng, 2 thông tư liên tịch và 28 Thông tư.

Tính đến thời điểm tháng 9/2017, Bộ đã đơn giản hóa được 56 thủ tục (tương đương với 12,4% tổng số TTHC của Bộ thời điểm hiện tại).

Bên cạnh nỗ lực đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, giấy tờ, Bộ Công Thương còn tiến hành hiện đại hóa các TTHC thông qua việc triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên ban hành thông tư về DVCTT. Trong năm 2017, Bộ đã đặt ra mục tiêu triển khai mới và nâng cấp các TTHC từ 155 dịch vụ công thực tuyến ở mức độ 3,4 lên thành 177 DVCTT.

Hơn nữa, hơn 95% DVCTT của Bộ Công Thương đều không thu phí. Các hồ sơ DVCTT cấp độ 4 đều được xử lý hoàn toàn trên nền tảng số, kết quả sẽ được trả trực tuyến hoặc theo đường bưu điện.

Cuối năm 2016, Bộ đã xây dựng cổng DVCTT chung tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn. Cổng dịch vụ chung này giúp toàn bộ quy trình xử lý DVCTT của Bộ được thực hiện trên mạng thông qua một tài khoản duy nhất, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp. Thời gian tới, Bộ sẽ đặt mục tiêu mỗi hồ sơ người dân, DN gửi đến sẽ được phản hồi sau 2h.

Hiện nay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý 28 trên 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 453 TTHC ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã), với 1.212 điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Để tạo thuận lợi, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng DN trong suốt thời gian qua, mới đây, ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh (ĐKKD) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017-2018.

Theo đó, 464 ĐKKD được cắt giảm. Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 38,15% tổng số các ĐKKD của Bộ.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đây mới chỉ là kết quả bước đầu trong kế hoạch chung của Bộ đưa ra, chưa phải là con số cuối cùng. Bộ sẽ tiếp tục đưa ra lộ trình cắt giảm sâu và mạnh nữa những ĐKKD bất hợp lý, gây phiền hà cho DN.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia chính sách công độc lập cho rằng, nếu không tiến hành đồng bộ những cải cách thể chế về hệ thống giấy phép, điều kiện kinh doanh, các nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện tại sẽ chỉ cho kết quả trước mắt, báo Đầu tư đưa tin.

Theo ông Đồng, việc rà soát và cắt bỏ điều kiện kinh doanh, hay các loại giấy phép hiện tại có thể giúp giảm bớt một số giấy phép con bất hợp lý. So với thực trạng hệ thống điều kiện kinh doanh chằng chịt hiện tại thì đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ, các bộ, ngành cũng là một điều đáng mừng lớn với doanh nghiệp.

Nhưng, cách làm này về cơ bản khó tạo ra kết quả mang tính bền vững trong dài hạn. Điều tôi lo nhất là khả năng tái sinh các loại giấy phép con rất cao. Hơn thế nữa,  yếu tố chất lượng của giấy phép , cụ thể là tính hiệu quả của hệ thống công cụ quản lý này, vẫn  sẽ tiếp tục thấp.

Từ kết quả nghiên cứu chuyên sâu về cải cách hệ thống điều kiện kinh doanh từ giai đoạn 1999 đến nay, ông Đồng cho rằng, không chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh như hiện nay mà còn cải cách toàn diện hệ thống quy định hành chính, đồng bộ và toàn diện trên 4 phương diện.

Một là, thay đổi và hiện đại hóa triết lý lập quy theo chuẩn mực chung của các quốc gia có thể chế kinh tế thị trường phát triển. Hai là, cải cách quy trình lập quy định, điều kiện. Ba là kiểm soát lập quy của các cơ quan hành chính. Và bốn là, đổi mới bộ máy các cơ quan điều tiết thị trường.

Cần xác định rõ mục tiêu, phải cắt giảm đáng kể các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang tạo gánh nặng và nhũng nhiễu doanh nghiệp. Song song, xây dựng được và vận hành các thiết chế giám sát quy trình ban hành điều kiện kinh doanh.

Chúng ta cũng phải xây dựng các thiết chế tư pháp giúp doanh nghiệp tự bảo vệ được quyền tự do kinh doanh của mình. Tòa án cần được trao quyền xem xét và bãi bỏ văn bản pháp quy vi hiến hoặc trái luật. Tòa hành chính bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp trong từng trường hợp cụ thể khi bị lạm quyền hành chính.

Trên hết, phải xây dựng được các thiết chế điều tiết thị trường hiện đại, tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới. Trong hệ thống điều tiết mới, triết lý can thiệp được xác lập trên nguyên tắc: Nhà nước phục vụ thị trường chứ không quản lý thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường cần, cụ thể là khi xảy ra các thất bại thị trường. Điều quan trọng, trong tiến trình cải cách, phải đặt doanh nghiệp vào trung tâm!.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn