Trước câu hỏi của Công ty Kao Việt Nam cho biết về sự khác biệt giữa Mã HS trên CO form JV ( HS 2007) và HS trong thông tư 25/2015/TT-BTC ngày 14 tháng 12 năm 2015 ( HS2012) cho mặt hàng tã lót em bé được nhập khẩu từ Nhật Bản, Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu lý giải: Căn cứ Khoản 2 Phụ lục 2 Quy tắc cụ thể mặt hàng Ban hành kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác Kinh tế ngày 18 tháng 5 năm 2009, quy định: “Phụ lục này dựa trên cơ sở Hệ thống Hài hoà đã được sửa đổi ngày 01 tháng 01 năm 2007”.
Theo đó, hai quốc gia đã ký kết và thống nhất Quy tắc cụ thể mặt hàng của Hiệp định này dựa vào chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa đã sửa đổi vào ngày 01 tháng 01 năm 2007 (HS 2007) của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới. Do đó, hiện nay Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác Kinh tế vẫn áp dụng mã HS 2007.
Vì vậy Đối với kiến nghị của Công ty về việc sửa đổi mã HS trên Thông tư 25/2015/TT-BTC ngày 14 tháng 12 năm 2015 theo hệ thống HS 2007, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Công ty Kao liên hệ với cơ quan chủ trì ban hành Thông tư là (Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể.
Hòm thư Bankingho@gmail.com có gửi đến đường dây nóng Cục Xuất nhập khẩu nội dung câu hỏi về việc theo quyết định số 3648/QĐ-BCT thì mặt hàng sữa lên men ( HS code: 04031020) nhập khẩu có cần thực hiện thêm kiểm tra chuyên ngành không hay chỉ cần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm như các lô hàng trước đây là có thể thông quan hàng hóa?
Trước nội dung câu hỏi này, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết: Căn cứ Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 08/09/2016 về việc công bố danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, sản phẩm sữa lên men với mã số HS của sản phẩm là 04031020 thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và văn bản hướng dẫn áp dụng của Quyết định này là Thông tư số 28/2013/TT-BCT ngày 06/11/2013 của Bộ Công Thương quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Vì vậy, Doanh nghiệp vẫn áp dụng quy định kiểm tra nhà nước thực phẩm nhập khẩu theo Thông tư số 28/2013/TT-BCT như trước đây và khai báo kèm theo mã số HS.
Công ty TNHH Lục Xương Việt Nam có gửi câu hỏi đến Bộ Công Thương về việc theo Thông tư 15/2013/TT-BCT ngày 15/07/2013 quy định về xuất khẩu than thì mặt hàng than cám 5 dừng xuất khẩu từ năm 2016. Doanh nghiệp đặt ra giả sử nếu đơn vị mua bán nội địa trong nước và thực hiện thủ tục hải quan nội địa đối với mặt hàng than cám 5 có được chấp thuận hay không?
Về nội dung câu hỏi này, Vụ Công nghiệp than, Tổng Cục năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Tại Điều 28 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định:
- Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
- Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, việc doanh nghiệp nội địa đưa hàng hóa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam (bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất, cho doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất,…) được hiểu là xuất khẩu hàng hóa; doanh nghiệp chế xuất hoặc doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất mua hàng hóa từ doanh nghiệp nội địa không coi là nhập khẩu hàng hóa.
Vì vậy, việc doanh nghiệp chế xuất mua than từ doanh nghiệp nội địa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 15/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu than.
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương