Tham dự cuộc họp có đại điện các đơn vị thuộc Bộ như Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, công nghiệp như Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Sàn Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Hiệp hội Nhựa Việt Nam…
Doanh nghiệp khó tiếp cận với các gói hỗ trợ
Báo cáo tình hình xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các thị trường tăng mạnh xuất khẩu tập trung ở khu vực Châu Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang khu vực này đạt 19 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sang Hoa Kỳ đạt 15,95 tỷ USD, tăng 20%; sang Canada đạt 975 triệu USD tăng 13%; sang Mexico đạt 798 triệu USD, tăng 61%; sang Braxin đạt 511 triệu USD, tăng 11%; sang Chile đạt 287 triệu USD, tăng 93%; sang Argentina tăng 55%; sang Colombia tăng 93%; sang Panama tăng 73% và sang Peru tăng 82%.
Các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là: Trung Quốc (đạt 9,35 tỷ USD, tăng 22,8%); Nhật (đạt 5 tỷ USD, tăng 7,8%); Đài Loan (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 36,3%); Australia (đạt 924 triệu USD, tăng 11,6%).
Xuất khẩu sang châu Âu đạt khoảng 10,4 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU (tính cả Anh) đạt 9,61 tỷ USD, giảm 5,7%. Trong đó: sang Pháp đạt 771,6 triệu USD, giảm 19%; sang Italy đạt 758,7 triệu USD, giảm 17,4%; sang Tây Ban Nha đạt 551,6 triệu USD, giảm 16,4%; sang Anh đạt 1,28 tỷ USD, giảm 6,6%.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng 3, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh tại buổi làm việc
Tại cuộc họp, đại diện các Hiệp hội cho biết, sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước lúc này chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời thông qua doanh nghiệp hỗ trợ người lao động để có thể duy trì đội ngũ công nhân, đẩy mạnh sản xuất ngay sau dịch.
Một số gói hỗ trợ thời gian qua đã được triển khai, tuy nhiên còn chưa phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ
Tại buổi làm việc, Hiệp hội Giấy và Bột giấy chia sẻ, để khắc phục những khó khăn chung mà các doanh nghiệp các ngành khác cũng gặp phải do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho …
Thay mặt doanh nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với doanh nghiệp, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ. Miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020, hoặc giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không cần có điều kiện kèm theo…
Theo Hiệp hội Dệt may, với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau từ các nước trên thế giới, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỷ USD.
Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay các doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải "gồng mình" để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, với những nỗ lực như vậy, doanh nghiệp vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của nhà nước.
Hiện tại, Hiệp hội Dệt may cũng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan, hướng dẫn, đào tạo doanh nghiệp chuẩn bị những bước đi thật tốt để đón nhận cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh khẳng định, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các Hiệp hội, đặc biệt các ý kiến trong bối cảnh mới, trạng thái mới để báo cáo Lãnh đạo Bộ, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn hậu Covid-19. “Bộ Công Thương sẵn sàng làm việc cùng với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể để trao đổi về cách thực phối hợp. Bộ sẽ trao đổi thêm với các Thương vụ, các thị trường nước ngoài để hỗ trợ thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra” - Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn