Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã tham gia tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ nhằm mục đích tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Liên bang Nga, cũng như thúc đẩy tăng cường hợp tác, đối thoại kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Liên bang Nga.

Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Mát-xcơ-va, ngày 16 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev. Tại cuộc hội đàm, hai Bên khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga, trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước. Hai Bên cũng nhất trí cần nỗ lực để khắc phục suy giảm trao đổi thương mại song phương, triển khai các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước trong các hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai mở rộng thanh toán bằng đồng nội tệ.

Để thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo hai Bên, ngày 17 tháng 5 năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với bà Veronika Nikishina - Bộ trưởng phụ trách thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu. Tại buổi làm việc, hai Bên thống nhất phấn đấu hoàn tất phê duyệt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á Âu trong tháng 6 năm 2016, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng như các nước khác trong khối.

Bên cạnh đó hai Bộ trưởng cũng thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Hiệp định như quy trình xử lý những nội dung về hạn ngạch, quy tắc xuất xứ... nhằm mục đích tận dụng hiệu quả nhất lợi ích của Hiệp định đem lại. Đối với một số vấn đề phát sinh trong quá trình phê duyệt Hiệp định, hai Bộ trưởng thống nhất hướng xử lý và giao cấp kỹ thuật đưa ra giải pháp chung, không để ảnh hưởng tới quá trình phê chuẩn Hiệp định VN-EAEU FTA.

Ngày 18 tháng 5 năm 2016 tại Sô-chi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với ông A.V.Uliukaev - Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga để trao đổi về các giải pháp tăng cường hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam-Liên bang Nga nhằm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai Bên đạt mức 10 tỷ USD vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, hai Bộ trưởng đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga về việc phối hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại đến năm 2020, theo đó hai Bên sẽ triển khai hợp tác bằng các biện pháp như hỗ trợ việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên Việt – Nga, hỗ trợ việc thành lập các kho ngoại quan và các trung tâm logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu, hỗ trợ việc đẩy mạnh thanh toán bằng đồng nội tệ của hai nước, hỗ trợ việc thiết lập các đầu mối liên lạc kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai Bên, v.v...

Về hợp tác ASEAN-Nga, kinh tế là một nội dung hợp tác quan trọng trong Hội nghị Cấp cao kỷ niệm lần này. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang đóng một vai trò tích cực trong cấu trúc hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chủ trương tăng cường liên kết kinh tế với các đối tác đối thoại như Hoa Kỳ, Nga, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, v.v... Liên bang Nga cũng ngày càng chú trọng hơn về nâng cao quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với ASEAN. Bởi vậy, Tuyên bố Sô-chi giữa các Nhà Lãnh đạo ASEAN và Liên bang Nga lần này đặt ra mục tiêu hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nga cùng có lợi, với các hành động về hợp tác kinh tế toàn diện. Cụ thể, hai Bên nhất trí tăng cường hợp tác về hội nhập kinh tế khu vực, chú trọng tăng trưởng bền vững và đồng đều để đóng góp tích cực cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu, thúc đẩy thương mại giữa ASEAN và Liên bang Nga lên tầm cao mới, triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể mà hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau như khoa học kỹ thuật, công nghệ, năng lượng, thương mại điện tử, phát triển hạ tầng vận tải, phát triển nông nghiệp, thủy sản, tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và thuận lợi hóa thương mại, v.v...

Về thương mại, theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, tốc độ tăng trưởng trung bình thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nga trong giai đoạn từ 2004 đến 2014 đạt 26,1%, đưa giá trị thương mại từ mức 3,4 tỷ USD năm 2004 lên 22,5 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, tỷ trọng thương mại giữa ASEAN và Nga mới chỉ chiếm gần 1% tổng thương mại của ASEAN. Hai bên dự kiến trong 10 năm tới sẽ đưa tổng thương mại ASEAN-Nga lên khoảng gấp đôi mức hiện nay (đơn vị trong hình: triệu USD). Trong khi đó, thương mại song phương Việt Nam-Nga đạt 2,2 tỷ USD năm 2015, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,44 tỷ USD và nhập khẩu 745,8 triệu USD.

Là quốc gia thành viên ASEAN có mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư gắn bó nhất với Liên bang Nga, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các thành viên ASEAN khác thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện và tiến bộ ASEAN-Nga đi vào hiệu quả và thực chất. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham gia tháp tùng Thủ tướng Chính phủ gặp song phương với Tổng thống Liên bang Nga và Lãnh đạo 6 nước ASEAN là Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia, My-an-ma, Xinh-ga-po, Ma-lay-xia và Thái Lan. Nga nhất trí ủng hộ tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; tăng cường hợp tác, đối thoại và nâng cao năng lực phát triển và hội nhập giữa hai bên, nhất là trong các lĩnh vực ASEAN, Việt Nam có lợi ích và Nga có thế mạnh. Nga hoan nghênh Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối trong quan hệ kinh tế giữa Nga với khu vực ASEAN trên cơ sở Hiệp định VN-EAEU đã được hai bên ký kết (là hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên và duy nhất giữa Liên bang Nga với một quốc gia thành viên ASEAN tới nay).

Về đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tới năm 2015, Nga có 114 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, xếp thứ 17 trong số nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào các ngành dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Việt Nam có 18 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD.

 

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương/Vụ Chính sách thương mại đa biên